Khám phá “cánh đồng điện gió” Bạc Liêu
Du lịch - Ngày đăng : 05:09, 26/09/2021
Biến gió thành điện năng
Nằm cách trung tâm thành phố Bạc Liêu khoảng 20km, theo đường Cao Văn Lầu đi về phía biển, du khách sẽ tới “cánh đồng điện gió” hay Nhà máy Điện gió Bạc Liêu (ấp Biển Đông A, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu). Con đường bê tông rộng 3m, chạy dài hàng ki lô mét trên mặt biển rồi chia thành hai ngả, dẫn du khách tới gần những trụ turbine như những chiếc chong chóng khổng lồ chầm chậm quay trong gió.
Từ dưới ngước lên ngắm nhìn những turbine đứng sừng sững trước biển, ít ai biết rằng nơi đây trước kia là những cánh rừng bần, đước trải dài. Phía dưới con đường là lớp lớp đá hộc được xếp xen kẽ, tạo thành “hàng rào đá” ngăn biển xâm thực, gây xói lở đất. Giữa bốn bề gió và sóng biển gầm gào ngày đêm không nghỉ, càng cảm nhận rõ sự nhỏ bé của con người trước thiên nhiên. Nhưng thiên nhiên đã phải khuất phục trước trí tuệ của con người, khi gió - “đặc sản” của Bạc Liêu, được chuyển hóa thành năng lượng để phục vụ đời sống.
Khởi công tháng 9-2010, đến nay dự án Nhà máy Điện gió Bạc Liêu đã hoàn thành 2 giai đoạn, lắp đặt được 62 trụ turbine công suất 16 - 83MW, trên diện tích 1.300ha, với tổng mức đầu tư hơn 5.217 tỷ đồng. Mỗi trụ turbine có đường kính 4m, cao 80m, nặng hơn 200 tấn, được làm bằng thép không rỉ. Cánh quạt làm bằng nhựa đặc biệt, dài 42m, được trang bị hệ thống tự gập khi có bão lớn. Chính thức hòa mạng lưới điện quốc gia từ tháng 6-2013, đến nay nhà máy đã đóng góp sản lượng điện đạt 1 tỷ kWh. Giai đoạn 3 khởi công từ tháng 1-2018, bổ sung 71 trụ turbine gió. Khi hoàn thành, nhà máy sẽ có 133 trụ turbin gió, nâng tổng công suất lên 241,2MW. Đây là dự án điện gió lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại và là dự án đầu tiên được xây dựng trên thềm lục địa ở khu vực Đông Nam Á. Nhờ biến gió thành điện năng, ngành Công nghiệp điện gió đã trở thành một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bạc Liêu, khẳng định lợi thế đặc biệt của vùng đất này.
Thu hút khách bằng sự khác biệt
Không chỉ đóng góp vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Nhà máy Điện gió Bạc Liêu còn góp phần thúc đẩy khai thác nguồn năng lượng sạch, bảo vệ môi trường, đồng thời là một trong những điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh. Trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19, “cánh đồng điện gió” thu hút khoảng 200 nghìn lượt khách tham quan mỗi năm. Chị Huỳnh Thị Bảo Trâm, một du khách đến từ Cần Thơ cho biết: “Tôi thực sự bất ngờ khi được thấy quang cảnh hùng vĩ, nên thơ tựa như ở các nước châu Âu của “cánh đồng điện gió” Bạc Liêu. Được tận mắt ngắm những trụ turbine gió khổng lồ, tôi cảm thấy tự hào và khâm phục ý chí của những người đã tạo nên công trình này. “Cánh đồng điện gió” đã mang lại cho tôi nhiều cảm xúc và trải nghiệm thú vị, khác hoàn toàn so với những nơi tôi từng đến”.
Nhìn thấy khả năng phát triển nơi này trở thành một trong điểm du lịch hấp dẫn, tỉnh Bạc Liêu đã kết hợp với mô hình du lịch sinh thái, nuôi trồng lâm, thủy sản. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu Thái Quốc Lưu cho biết: “Đây là dự án tiên phong trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ rừng phòng hộ. Bên cạnh đó, dự án còn thu hút một lượng lớn du khách đến tham quan, góp phần tạo việc làm và cải thiện đời sống cho người dân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Năm 2019, nơi đây đã được công nhận là điểm du lịch tiêu biểu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Để khai thác và phát huy tiềm năng của điểm du lịch này, Bạc Liêu đã và đang kêu gọi nhà đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng cao cấp cùng dịch vụ vui chơi giải trí gần khu vực “cánh đồng điện gió”, đồng thời xây dựng tour tuyến gắn với các điểm đến lân cận như chùa Quan Âm Phật Đài, vườn nhãn cổ, nhà công tử Bạc Liêu... để gia tăng trải nghiệm cho du khách”.
Bằng sự độc đáo, khác biệt, điểm du lịch “cánh đồng điện gió” đã góp phần tạo nên những dấu ấn cho Bạc Liêu, giúp tỉnh thoát khỏi tình trạng trùng lặp sản phẩm với các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long suốt nhiều năm qua.