Du lịch Đông Nam Á tìm hướng phục hồi sau đại dịch Covid-19

Du lịch - Ngày đăng : 17:38, 26/09/2021

(HNMO) - Các quốc gia Đông Nam Á đang phải trải qua làn sóng dịch với diễn biến phức tạp và khó lường nhất từ trước đến nay. Trước khó khăn chung, các quốc gia cũng có chiến lược riêng để phục hồi kinh tế - xã hội trong đó có du lịch. Hoạt động du lịch tại nhiều nước ASEAN trong đó có Việt Nam bắt đầu có chuyển biến khi nhiều chính sách phục hồi và phát triển đã được đưa ra để thích nghi với trạng thái "bình thường mới".

Việt Nam quyết tâm thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc (Kiên Giang) vào cuối năm 2021.

Tín hiệu vui trong khu vực

Tại Diễn đàn Du lịch toàn cầu 2021 vừa diễn ra theo hình thức trực tuyến, lãnh đạo ngành Du lịch của các quốc gia Đông Nam Á đã bày tỏ quyết tâm phục hồi thị trường du lịch một cách phù hợp trước bối cảnh dịch Covid-19 đang tác động nặng nề đến đời sống, xã hội, kinh tế của mỗi quốc gia.

Ông Phiphat Ratchakitprakarn, Bộ trưởng Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan bày tỏ, đây là thời điểm để khởi động lại các hoạt động du lịch, vì lĩnh vực này đã chịu thiệt hại nặng nề, không thể cầm cự lâu hơn được nữa. 

Thực tế, hoạt động du lịch tại các quốc gia Đông Nam Á những tháng gần đây đã cho thấy tín hiệu lạc quan khi áp dụng chính sách "hộ chiếu vắc xin" để đón khách trở lại. Sự khởi đầu của Thái Lan trong việc thí điểm đón khách quốc tế đã mở ra nhiều bài học cho các quốc gia Đông Nam Á trong việc xây dựng kế hoạch phục hồi du lịch và đón khách quốc tế.

Từ tháng 7-2021, Thái Lan chính thức thí điểm đón khách du lịch tại Phuket với chương trình "Phuket Sandbox" (hộp cát Phuket), mở đầu cho kế hoạch khôi phục hoạt động du lịch tại đất nước này theo hình thức "bong bóng du lịch", bước đầu đón được hơn 25.800 khách quốc tế.

Thái Lan còn dự định mở rộng chiến dịch đón khách tới các tỉnh Chiang Mai, Chonburi, Phetchaburi và Prachuap Khiri Khan cho du khách nước ngoài mà không cần cách ly nếu đã tiêm chủng đầy đủ, dự kiến thực hiện vào tháng 11-2021.

Tại Indonesia, đất nước chịu thiệt hại nặng nề từ đợt dịch Covid-19, ngành Du lịch nước này cũng quyết tâm sớm phục hồi thị trường. Theo kế hoạch, Indonesia sẽ kích hoạt lại ngành Du lịch vào cuối năm nay, trước hết là thí điểm đón khách quốc tế tại Bali.

Trong khi đó, tại Singapore, mặc dù vẫn thận trọng trong việc nới lỏng các giãn cách nhưng nước này cũng bắt đầu triển khai du lịch nội địa, sau đó xây dựng các thỏa thuận đi lại song phương với một số nước.

Hoạt động du lịch tại Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu tích cực từ đầu tháng 9-2021 khi nhiều tỉnh, thành phố đã kiểm soát tốt dịch Covid-19. Một loạt tỉnh, thành như: Quảng Ninh, Khánh Hòa, Hà Giang, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế... xây dựng chiến lược phát triển du lịch nội tỉnh, thành phố, lên kế hoạch mở rộng đón khách các địa phương theo chiến dịch "du lịch xanh" cũng như sẵn sàng chuẩn bị đón khách quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt bày tỏ quyết tâm, Việt Nam sẽ thực hiện thí điểm đón khách du lịch quốc tế tại Phú Quốc (Kiên Giang) vào cuối năm nay, hướng tới mục tiêu đón từ 2 đến 3 triệu lượt khách du lịch. Nếu mô hình thí điểm thành công, Việt Nam sẽ mở rộng đón khách quốc tế tới những điểm đến khác như: Hạ Long (Quảng Ninh), Nha Trang (Khánh Hòa), Hội An (Quảng Nam)... 

Các quốc gia Đông Nam Á cùng thể hiện mong muốn và quyết tâm chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng tiêu chí chung về "hộ chiếu vắc xin" trong việc đón khách trong khu vực. Ảnh minh họa

Cùng xây dựng điểm đến an toàn

Các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á bày tỏ quyết tâm đoàn kết để cùng phục hồi thị trường du lịch, hướng đến tạo điểm đến hấp dẫn cho khu vực. Tại diễn đàn Du lịch toàn cầu 2021, lãnh đạo du lịch của các nước cũng đưa ra nhiều giải pháp để tăng cường, chia sẻ kinh nghiệm nhằm cùng phục hồi thị trường chung nhanh nhất có thể sau đại dịch Covid-19.

Theo ông Sandiaga Salahuddin Uno, Bộ trưởng Bộ Du lịch và Kinh tế sáng tạo Indonesia, các nước ASEAN sẽ không cạnh tranh lẫn nhau mà phối hợp bằng cách thúc đẩy các sáng kiến xây dựng những mô hình du lịch an toàn phù hợp với từng quốc gia.

Trong khi đó, ông Alvin Tan, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp và Bộ Văn hóa, Cộng đồng và Thanh niên Singapore cho rằng, các quốc gia cần hỗ trợ lẫn nhau trong việc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.

Còn theo ông Phiphat Ratchakitprakarn, Bộ trưởng Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan, Thái Lan đang xây dựng quy trình vận hành chuẩn cho "du lịch bong bóng đi qua biên giới", mở cửa du lịch giữa các tỉnh vùng biên với các nước láng giềng, trong đó có các nước ASEAN để khôi phục hoạt động du lịch nội khối.

Cùng bàn về giải pháp phục hồi thị trường du lịch trong khu vực, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt đề nghị, các nước hợp tác chặt chẽ trong việc xây dựng tiêu chuẩn và quy trình về du lịch an toàn trong khu vực Đông Nam Á; xây dựng và triển khai các chương trình quảng bá, xúc tiến trực tuyến và trực quan cho điểm đến chung ASEAN.

"Đây là lúc các nước cần chia sẻ cởi mở các kinh nghiệm, chiến lược, kế hoạch mở cửa và khôi phục ngành Du lịch để cùng phục hồi và phát triển, đồng thời, tăng cường ứng dụng, chia sẻ công nghệ số và đổi mới sáng tạo trong ngành Du lịch", ông Đoàn Văn Việt bày tỏ.

Ngày mai, 27-9, các quốc gia trên thế giới sẽ cùng hưởng ứng "Ngày Du lịch thế giới" do Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) phát động với chủ đề "Du lịch vì sự tăng trưởng bao trùm". Những nỗ lực của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á thời gian qua phần nào thể hiện quyết tâm hành động vì mục tiêu chung trong việc nhanh chóng phục hồi thị trường, sớm đưa du lịch vượt qua đại dịch Covid-19.

Hoàng Lân