Âm nhạc dân tộc cất lên thanh âm mới

Văn hóa - Ngày đăng : 07:48, 26/09/2021

(HNM) - Thượng tá, Nghệ sĩ nhân dân, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Bắc (Chủ nhiệm Khoa Nghệ thuật dân tộc và miền núi, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội) đã có nhiều năm theo đuổi và góp phần kết nối, phát triển giá trị của âm nhạc dân tộc đến với thế hệ sau. Cùng với việc biểu diễn các nhạc cụ dân tộc, anh còn sáng tác nhiều tác phẩm khí nhạc cũng như ca khúc để đưa âm nhạc dân tộc cất lên thanh âm mới.

Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Xuân Bắc biểu diễn đàn T'rưng tại Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games) 2021.

Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Xuân Bắc sinh ra trong một gia đình không có ai theo đuổi nghệ thuật nhưng anh lại đến với âm nhạc khá sớm. Do nhà ở khu tập thể của Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Nghệ Tĩnh (nay là Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Nghệ An) nên ngay từ bé, anh được tiếp xúc với âm nhạc dân tộc.

Thấy cậu bé 8 tuổi có niềm say âm nhạc dân tộc nên thầy Võ Xuân Thành (nguyên Trưởng Khoa Văn hóa quần chúng, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Nghệ An) đã truyền dạy cho môn đàn nguyệt, để rồi từ đó âm nhạc dân tộc gắn với anh ngày càng sâu đậm. Năm 18 tuổi, anh tiếp tục theo học đàn nguyệt, trống dân tộc và sáng tác, chỉ huy tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam).

Vừa biểu diễn lại vừa sáng tác nên Xuân Bắc đã hiểu và tận dụng được những thế mạnh của từng loại nhạc cụ dân tộc đưa vào tác phẩm của mình. Anh có nhiều tác phẩm đoạt giải thưởng cao, như: Giải Nhì (không có giải Nhất) giải thưởng thường niên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2001 cho tác phẩm “Tiếng vọng”, giải C Giải thưởng tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng 5 năm (2014-2019) của Bộ Quốc phòng với ca khúc “Biển, anh và nỗi nhớ”… Qua những sáng tác của anh, các nhạc cụ dân tộc vừa được tôn vinh vừa được phô diễn kỹ thuật biểu diễn ở trình độ cao.

Không chỉ khai thác chất liệu dân gian, dân tộc một cách tài tình, các tác phẩm của Xuân Bắc còn mang đậm hơi thở thời đại. Nhận xét về điều này, giảng viên Nguyễn Bích Thủy (Khoa Nghệ thuật dân tộc và miền núi, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội) cho biết: “Trong tác phẩm, Nguyễn Xuân Bắc đã biết kết hợp, lồng ghép giữa cái mới và cái cũ mang tính chuyên môn cao. Anh cũng là người tâm huyết và trách nhiệm mang đến hơi thở đương đại cho âm nhạc dân tộc”.

Là thành viên Đội tuyển Văn hóa - Nghệ thuật tham dự Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games) 2021 tổ chức tại Liên bang Nga vừa qua, Xuân Bắc đã biểu diễn 3 tiết mục, đó là chơi đàn T’rưng bản mashup (hòa trộn) nhạc Nga “Kachiusa - Tình ca du mục”, đàn đá “Âm vang đại ngàn” và độc tấu trống “Hồn quê”.

Đặc biệt, trong dịp này, Xuân Bắc vinh dự được thể hiện đàn T’rưng tiết mục “Kachiusa - Tình ca du mục” dưới chân Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thủ đô Mátxcơva. “Được tham gia sự kiện quốc tế Army Games, tôi nghĩ rằng mình có nhiệm vụ quảng bá hình ảnh đất nước và con người quê hương qua những tác phẩm âm nhạc vừa mang đậm tính truyền thống vừa có tính học thuật cao”, Xuân Bắc trải lòng.

27 năm gắn bó với Khoa Nghệ thuật dân tộc và miền núi, Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Xuân Bắc đã góp công sức cùng các thế hệ giảng viên nhà trường đào tạo nhiều nghệ sĩ cho các đoàn nghệ thuật trên cả nước. Bằng tâm huyết, trách nhiệm của người thầy, nhà quản lý, anh đã khích lệ, động viên, tạo niềm hăng say, hứng khởi đến với nhiều thế hệ học viên để họ tiếp tục gìn giữ và bảo tồn âm nhạc dân tộc trong đời sống đương đại.

Ngô Khiêm