Hướng về sông Hồng
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:02, 30/09/2021
Do thiếu quy hoạch nên quỹ đất hai bên sông Hồng dù nhiều tiềm năng phát triển nhưng chưa được khai thác. Các khu dân cư tồn tại ngoài bãi sông Hồng xây dựng tự phát, vừa không bảo đảm mỹ quan đô thị, vừa ảnh hưởng đến điều kiện sống của người dân. Từ thực tế trên, các chuyên gia quy hoạch, đô thị đánh giá, thành phố Hà Nội đang “quay lưng” với sông Hồng.
Với nhiều nỗ lực, từ đổi mới tư duy, cách làm, tranh thủ trí tuệ của các chuyên gia, nhà quản lý, đến việc chủ động phối hợp giữa thành phố Hà Nội với các bộ, ngành để tháo gỡ vướng mắc trong cơ chế, chính sách, thành phố Hà Nội đang từng bước hoàn thiện đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Đến lúc này, có thể nói, mong ước, cơ hội để khai thác hiệu quả tiềm năng sông Hồng, hình thành diện mạo mới cho Thủ đô đang dần thành hiện thực. Hà Nội sẽ có thêm không gian cây xanh, mặt nước, không gian công cộng nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân. Các khu dân cư cũ sẽ được cải tạo, chỉnh trang; hình thành, phát triển khu dân cư mới theo định hướng văn minh, hiện đại. Và hơn hết, tiềm năng sông Hồng và quỹ đất hai bên sông sẽ là động lực quan trọng, thúc đẩy phát triển đô thị, kinh tế đô thị cho Thủ đô.
Thực tế thời gian qua cho thấy, ít có đồ án quy hoạch nào nhận được sự quan tâm từ các cấp lãnh đạo trung ương, thành phố đến người dân, cũng như sự ủng hộ, hỗ trợ của các cấp, ngành, các chuyên gia, nhà quản lý quy hoạch, đô thị như Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Vì vậy, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là các đơn vị được giao nghiên cứu, lập quy hoạch này cần sớm cập nhật, hoàn thiện hồ sơ có liên quan, chủ động trao đổi, xin ý kiến của các bộ, ngành theo quy định. Ngược lại, các bộ, ngành chức năng cũng cần chủ động phối hợp với thành phố Hà Nội, sớm nghiên cứu, cho ý kiến vào báo cáo đồ án quy hoạch, theo hướng tuân thủ quy định, đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ Hà Nội tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm tiến độ phê duyệt quy hoạch vào cuối năm 2021 như kế hoạch đề ra.
Cùng với đó, các cấp, ngành thành phố, nhất là chính quyền 13 quận, huyện trong phạm vi nghiên cứu đồ án cần tăng cường công tác quản lý, bảo đảm sử dụng quỹ đất hiện hữu đúng quy định, ngăn chặn kịp thời tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép. Đặc biệt, cần chủ động tuyên truyền, cảnh báo, ngăn chặn tình trạng lợi dụng thông tin về quy hoạch để trục lợi, đầu cơ, “thổi giá đất” làm nhiễu loạn thị trường bất động sản, gây mất trật tự xã hội.
Về phía người dân - chủ thể được hưởng lợi từ quy hoạch này cũng cần tham gia, hỗ trợ chính quyền địa phương làm tốt công tác quản lý qua việc tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng.
Cuối năm 2021 là mốc thời gian dự kiến phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Từ đồ án quy hoạch, thành phố Hà Nội sẽ kêu gọi các nhà đầu tư phát triển dự án. Hà Nội sẽ có thêm những công viên, khu vui chơi công cộng, quảng trường, khu chức năng đô thị… sông Hồng sẽ là trục cảnh quan mang đặc trưng cây xanh, mặt nước, văn hóa - lịch sử. Thành phố sẽ không còn “quay lưng” với sông Hồng mà sẽ hướng về sông Hồng...