Tăng tốc sản xuất, kinh doanh để bù đắp cho những tháng vừa qua

Kinh tế - Ngày đăng : 17:59, 30/09/2021

(HNMO) - Ngày 30-9, Bộ Công Thương tổ chức họp báo thường kỳ về tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại tháng 9 và 9 tháng năm 2021, giải pháp trọng tâm các tháng cuối năm.

Toàn cảnh buổi họp báo.

Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ đã bám sát diễn biến dịch bệnh, linh hoạt trong điều hành và tập trung triển khai các giải pháp quyết liệt, nhiệm vụ trọng tâm, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đặt ra.

Trong quý III, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp đạt 4,45% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn so với mức tăng trưởng GDP chung của toàn nền kinh tế (tăng 1,42%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,05%, đóng góp 1,53 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Hoạt động xuất khẩu hàng hóa có dấu hiệu chững lại kể từ tháng 8 đến nay. Tuy nhiên, mức suy giảm tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu tháng 9 thấp hơn.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 9 ước đạt 27 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng trước, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 240,5 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa tháng 9 ước xuất siêu 500 triệu USD. Tính chung 9 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa ước nhập siêu 2,13 tỷ USD. 

Trong tháng 9, dịch Covid-19 bước đầu được kiểm soát ở một số địa phương, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ được phép hoạt động trở lại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 tăng 6,5% so với tháng trước và giảm 28,4% so với cùng kỳ năm trước. “Đặt trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, đây là sự nỗ lực rất lớn của các ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh. 

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, các giải pháp đồng bộ hỗ trợ, khôi phục sản xuất, kinh doanh đã bắt đầu có tác dụng, sản xuất công nghiệp, thị trường hàng hóa tháng 9 đã có dấu hiệu khởi sắc. Từ tháng 10-2021, nếu đà kiểm soát dịch bệnh theo chiều hướng khả quan như hiện nay, sản xuất công nghiệp, thị trường hàng hóa trong quý IV sẽ tăng trưởng cao hơn quý III, góp phần thực hiện mục tiêu năm 2021.

Từ nay tới cuối năm, Bộ Công Thương sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất lớn trong các khu, cụm công nghiệp nhằm khôi phục nhanh nhất các hoạt động sản xuất, kinh doanh, duy trì chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, đặc biệt là tận dụng thời điểm nhu cầu hàng hóa tăng cao dịp cuối năm, tăng tốc sản xuất, kinh doanh để bù đắp cho những tháng vừa qua.

Để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, Bộ sẽ tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới. Trước mắt, tận dụng sự phục hồi của thị trường Mỹ và châu Âu để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nước ta có thế mạnh. Đồng thời, triển khai các giải pháp xúc tiến thương mại trực tuyến, đẩy mạnh kích cầu thị trường trong và ngoài nước.

Thông tin về tình hình xuất nhập khẩu, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong tháng 9, kim ngạch xuất khẩu cả nước ước đạt 27 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng trước, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Tháng 9 cũng là tháng thứ hai liên tiếp hoạt động xuất khẩu chững lại. Tuy nhiên, tính chung 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu vẫn ước đạt 240,5 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 9-2021 ước đạt 26,5 tỷ USD, giảm 3,1% so với tháng 8. Tính chung 9 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 242,65 tỷ USD, tăng 30,5% so với cùng kỳ năm trước.

"Về cán cân thương mại, sau khi đạt mức nhập siêu tương đương 2 tỷ USD vào tháng 7, đến đến tháng 8, mức nhập siêu chỉ còn hơn 100 triệu USD và tháng 9 đã “quay đầu” xuất siêu 500 triệu USD. Đây là tín hiệu đáng mừng”, ông Trần Thanh Hải cho hay.

Về hoạt động xuất khẩu từ nay đến cuối năm, đại diện Bộ Công Thương nhận định đang có những thuận lợi khi nhu cầu thị trường tăng vào dịp mua sắm cuối năm, đồng thời các doanh nghiệp đang khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại. Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, hy vọng 3 tháng cuối năm là thời điểm các địa phương phía Nam sẽ lấy lại đà tăng trưởng và kết thúc cả năm 2021 cán cân sẽ cân bằng. Trong trường hợp thuận lợi hơn, nước ta vẫn có thể có xuất siêu.

Lam Giang