Nỗ lực sáng tạo để vượt khó

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:05, 01/10/2021

(HNM) - Bước vào năm học 2021-2022, dịch Covid-19 tiếp tục đặt thầy và trò trước nhiều thách thức. Đặc biệt, việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa với gần 290.000 học sinh lớp 2 và lớp 6 của Thủ đô trong bối cảnh các em phải học trực tuyến đã khiến khó khăn nhân lên.

Lường trước những vất vả trong việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới với khối lớp 2 và lớp 6, ngành Giáo dục Hà Nội đã chuẩn bị từ sớm, bằng cách tăng cường tập huấn nghiệp vụ; tạo điều kiện để giáo viên tiếp cận sớm với sách; đẩy mạnh trao đổi kinh nghiệm giữa giáo viên các trường... Khi vào giảng dạy, các nhà trường cũng đã linh hoạt trong sắp xếp, bố trí giáo viên; thường xuyên trao đổi để tìm ra phương án giảng dạy hiệu quả nhất.

Với 2 môn tích hợp lần đầu tiên được thiết kế trong chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở, gồm môn lịch sử và địa lý (tích hợp từ 2 môn: Lịch sử, địa lý) và môn khoa học tự nhiên (tích hợp từ 3 môn: Vật lý, hóa học, sinh học), nhiều thầy, cô giáo tích cực nghiên cứu, chủ động áp dụng phương pháp sư phạm mới để xây dựng những bài giảng vừa truyền tải đủ kiến thức, vừa hấp dẫn học sinh... Sau rất nhiều nỗ lực, đổi mới phương pháp, đến thời điểm này, việc dạy và học chương trình lớp 2, lớp 6 trên địa bàn thành phố đã có kết quả được ghi nhận, các em chuyên tâm học hành, thích ứng dần với sách giáo khoa mới...

Trong bối cảnh chung hiện nay, có thể phải duy trì việc học trực tuyến nên khó khăn sẽ còn tiếp diễn. Vì thế, nhiệm vụ của ngành Giáo dục Thủ đô là tiếp tục khắc phục mọi trở ngại để bảo đảm cao nhất chất lượng dạy và học.

Điều mấu chốt lúc này là ban giám hiệu các nhà trường và đội ngũ nhà giáo dạy lớp 2, lớp 6 cần huy động trí tuệ tập thể, cùng thảo luận, có phương án thống nhất trong việc xây dựng giáo án, khung bài giảng phù hợp với yêu cầu chương trình. Bên cạnh việc quan tâm bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho giáo viên thì các trường cũng nên tăng cường sinh hoạt chuyên môn nhằm tìm giải pháp cho những vướng mắc từ thực tiễn. Đồng thời, cùng trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để có phương pháp dạy học hiệu quả, sao cho học sinh thật sự hứng thú với việc tiếp nhận kiến thức từ thầy, cô.

Trong điều kiện việc dạy và học bị hạn chế sự tương tác trực tiếp, giáo viên cần chia các em theo từng nhóm học lực để áp dụng phương pháp sư phạm phù hợp. Các thầy, cô cần gần gũi, cởi mở để biết học sinh đang cần gì, đang muốn được truyền thụ kiến thức theo phương thức nào. Từ đó, mỗi thầy, cô tự điều chỉnh phương thức, linh hoạt trong giảng dạy để lôi cuốn học sinh trong từng tiết học.

Học sinh lớp 2 và lớp 6 tuy đã có phần quen với học trực tuyến, nhưng để các em tập trung nghe giảng là điều không đơn giản; do đó, rất cần sự trợ giúp đắc lực từ phía gia đình. Các bậc cha mẹ cần đồng hành, học cùng, trao đổi cùng, làm cầu nối giữa con và thầy, cô, cùng thống nhất phương pháp dạy và học. Đây là một “kênh” quan trọng để giáo viên nắm được học sinh đang thiếu hụt kiến thức ở đâu, cần bổ túc gì; ngược lại, cha mẹ cũng giúp thầy cô quán xuyến, động viên con có ý thức học tốt hơn.

Học chương trình, sách giáo khoa mới trong điều kiện dạy và học trực tuyến đương nhiên sẽ có khó khăn, nhưng thực tế cũng đã thúc đẩy sự thay đổi tích cực trong chính đội ngũ nhà giáo. Nỗ lực vượt khó và sáng tạo, các thầy, cô giáo đang từng bước đáp ứng yêu cầu mới trong giảng dạy, bảo đảm cao nhất chất lượng giáo dục cho học sinh Thủ đô.

Thiện Mỹ