Thành phố Hồ Chí Minh ngày đầu nới lỏng giãn cách

Đời sống - Ngày đăng : 14:46, 01/10/2021

(HNMO) - Thành phố Hồ Chí Minh đã có ngày đầu tiên từng bước nới lỏng giãn cách xã hội trong phòng, chống dịch Covid-19 với cả niềm vui và nỗi lo. Ý thức người dân về tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới vẫn là yếu tố quyết định trong cuộc chiến chống Covid-19.

Nhiều con đường tại thành phố Hồ Chí Minh đã đông đúc hơn trong sáng 1-10.

Mở cửa nhiều dịch vụ

Ngày 1-10, trên các nẻo đường tại thành phố Hồ Chí Minh, lưu lượng xe cộ đi lại nhiều hơn. Các chốt kiểm soát trong nội đô đã được dỡ bỏ; mọi con đường từng bị giăng dây bịt lối, nay thông thoáng. Hai bên đường, cửa hàng mở lại khá nhiều. Siêu thị đón lượng lớn khách đến mua sắm, còn các cửa hàng cắt tóc kín lịch đến hết ngày; hàng ăn uống chỉ bán mang đi…

Theo Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, tính đến cuối ngày 1-10, có 28.600 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh nhận được mã QR để hoạt động qua khai báo online tại địa chỉ antoan-covid.tphcm.gov.vn.

Tại siêu thị Lotte Mart (phường Tân Hưng, quận 7), người dân xếp hàng trật tự, khai báo y tế đầy đủ. Nhân viên siêu thị bố trí từng đợt 20 người được vào bên trong, bảo đảm mật độ người tại các gian hàng mua sắm chỉ chiếm 50% công suất phục vụ.

Chị Trương Hoàng Yến, ngụ tại Khu Cư xá ngân hàng (phường Tân Thuận Tây, quận 7) chia sẻ: “Hơn 100 ngày rồi tôi không đi siêu thị, vì địa phương tổ chức đi chợ hộ cho người dân vùng phong tỏa. Nay tôi đủ điều kiện ra đường, thấy hàng hóa nhiều, giá cả không tăng, mua sắm thuận lợi, an toàn”. 

Siêu thị Lotte Mart (quận 7) bảo đảm giãn cách khi khách hàng mua sắm.

Tại quận 4, cửa hàng cắt tóc trên đường Bến Vân Đồn mở hết các cửa sổ, cửa chính, không chạy máy lạnh, phục vụ 50% công suất ghế. Anh Vũ Hữu Nghĩa, chủ cửa hàng cho biết, cửa hàng chỉ nhận khách đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, có giấy xác nhận hoặc mã QR. “Chúng tôi tuân thủ các tiêu chí phòng, chống dịch Covid-19 để đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người”, anh Nghĩa nói.

Tại huyện Củ Chi, các chốt kiểm soát nội huyện cũng đã được tháo dỡ, nhưng các chốt tại khu vực giáp ranh với các tỉnh Long An, Tây Ninh, Bình Dương… vẫn được duy trì nghiêm.

Chị Lê Thị Thanh Dung, ngụ tại ấp 4A, xã Bình Mỹ, chia sẻ: “Tôi thấy các cấp chính quyền vẫn tuyên truyền, vận động, kêu gọi người dân chỉ ra đường khi có đủ điều kiện theo quy định. Bản thân tôi và gia đình vẫn tuân thủ nguyên tắc 5K và hạn chế việc ra khỏi địa phương”.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan nhấn mạnh: “Với Chỉ thị số 18/CT-UBND do UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành ngày 30-9, thành phố từng bước nới lỏng giãn cách theo nguyên tắc an toàn tới đâu, mở tới đó, tạo điều kiện cho người dân được đi lại. Tuy nhiên, bà con đừng chủ quan, nóng vội, không mang tâm lý “xả hơi” để tham gia các hoạt động xã hội khi chưa đủ điều kiện. Nguy cơ lây lan dịch bệnh còn rất cao. Tất cả cùng nâng cao ý thức phòng, chống dịch để thành phố sớm an toàn trở lại với tất cả mọi người".

Cửa hàng cắt tóc không bật máy lạnh, đảm bảo giãn cách giữa các khách hàng.

Tăng cường phối hợp để đưa người về quê và đón người quay trở lại thành phố an toàn

Đến chiều 1-10, tình trạng ùn ứ bởi hàng nghìn người dân ngoại tỉnh đi xe cá nhân muốn qua chốt kiểm soát trên quốc lộ 1 tại khu vực thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh (thành phố Hồ Chí Minh) để sang Long An và về các tỉnh miền Tây đã từng bước được xử lý.

Từ đêm 30-9, rạng sáng 1-10, lực lượng chức năng đã phát phiếu cho từng người dân đang kẹt tại chốt này để kê khai, đề đạt nguyện vọng về quê. Cùng với đó, các cấp, các ngành của thành phố Hồ Chí Minh liên hệ với các địa phương về việc sẵn sàng tiếp nhận, cách ly người về từ vùng dịch.

Thượng tá Trần Thanh Giang, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Bước đầu, cơ quan chức năng đã sàng lọc 1.300 người được địa phương tiếp nhận và điều xe khách để đưa những người này về quê. Xe máy và đồ đạc sẽ được các xe tải của quân đội chịu trách nhiệm chuyên chở. Lực lượng cảnh sát giao thông các địa phương phối hợp dẫn đoàn, không dừng nghỉ dọc đường”.

Đây chỉ là hướng giải quyết tạm thời. Từ chiều 30-9, Thủ tướng đã có công điện khẩn, gửi UBND thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu về việc tăng cường quản lý người từ các địa phương này tự phát về quê. Theo đó, 5 tỉnh, thành phố nêu trên vẫn là nơi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nguy cơ lây nhiễm cao. Nếu để người dân tự phát về quê, sẽ khiến dịch bệnh có nguy cơ lan rộng.

Lực lượng chức năng điều xe đưa người dân kẹt tại chốt kiểm soát giữa thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Long An về quê.

Sáng 1-10, thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bến Tre phối hợp đưa 600 người về quê.

Trong suốt 4 tháng tăng cường giãn cách phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Hồ Chí Minh vẫn phối hợp với nhiều địa phương trên cả nước tổ chức đưa công dân về quê một cách an toàn, có kiểm soát.

Ngay trong sáng 1-10, tại Bến xe Miền Tây, Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với các sở, ngành tỉnh Bến Tre đưa 600 công dân tỉnh này về quê bằng ô tô khách, phần lớn là phụ nữ mang thai, người già, người có bệnh... Phía thành phố Hồ Chí Minh đã lên danh sách, xét nghiệm, đưa người đến bến xe. Còn tỉnh Bến Tre chuẩn bị sẵn cơ sở vật chất để cách ly người về từ vùng dịch đúng quy định. Tính chung, thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp đưa hơn 37.000 người ngoại tỉnh về quê trong thời gian qua.

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Phan Công Bằng cho biết, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các tỉnh, thành phố trên cả nước về việc đưa người về quê và đón người quay trở lại thành phố một cách có tổ chức, không tự phát, đảm bảo an toàn phòng dịch.

“Ngoài ra, thành phố Hồ Chí Minh và Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ sớm ban hành quy chế chung về quản lý việc đi lại của người dân trong nội vùng và người ra vào 5 địa phương này, vừa tạo thuận lợi cho người dân sinh sống, làm việc, vừa đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19”, ông Phan Công Bằng thông tin.

Từ ngày 1-10, thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với các tỉnh, thành phố đón người lao động trở lại làm việc bằng ô tô với điều kiện người lao động đã tiêm vắc xin mũi 1 sau 14 ngày hoặc khỏi Covid-19, có xác nhận của cơ quan y tế; giấy xét nghiệm âm tính còn hiệu lực.

Đối tượng trong phương án vận chuyển là người lao động thuộc các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trên địa bàn thành phố, bao gồm công nhân, chuyên gia đang ở các tỉnh, thành phố cần trở lại thành phố Hồ Chí Minh.

Trước mắt, người lao động có nhu cầu trở lại thành phố Hồ Chí Minh sẽ được vận chuyển bằng ô tô theo 3 phương thức.

Phương thức 1: Đơn vị sử dụng lao động tại thành phố Hồ Chí Minh tự tổ chức bằng cách gửi phương án đến các cơ quan đầu mối như chính quyền các quận, huyện; Ban Quản lý Khu chế xuất và công nghiệp, Ban Quản lý Khu công nghệ cao... Danh sách sau đó tổng hợp gửi Sở Giao thông Vận tải thành phố để lên kế hoạch triển khai. Việc vận chuyển dự kiến bằng ô tô từ 10 chỗ trở lên và chi phí do các đơn vị chi trả hoặc thỏa thuận với người lao động.

Phương thức 2: Ban Quản lý Khu chế xuất và công nghiệp cùng Ban Quản lý Khu công nghệ cao làm đầu mối tổng hợp nhu cầu của các đơn vị đang quản lý, phối hợp đơn vị vận tải hành khách lên kế hoạch vận chuyển. Sở Giao thông Vận tải thành phố sau đó sẽ xem xét cấp mã QR và thông báo cho các tỉnh, thành để vận chuyển người lao động.

Phương thức 3: Việc vận chuyển thực hiện theo tuyến cố định, với hành trình từ các bến xe khách của các tỉnh, thành đến Bến xe Miền Đông và Bến xe Miền Tây của thành phố Hồ Chí Minh. Mỗi ngày sẽ có 4 chuyến xe cho mỗi tuyến được hoạt động.

Việc đưa người lao động trở lại theo 2 giai đoạn, gồm: Từ ngày 1-10 đến ngày 31-10 thực hiện theo các phương thức 1 và 2; từ tháng 11 triển khai theo cả 3 phương thức nói trên. Riêng người lao động trở lại thành phố bằng đường sắt, hàng không sẽ thực hiện theo kế hoạch và phương án của Bộ Giao thông Vận tải.

Nhóm phóng viên