Đáp ứng nhu cầu của người dân
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:09, 02/10/2021
Đặc biệt, các cơ quan hành chính tiếp tục tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính trên tinh thần “5 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả), “một việc - một đầu mối xuyên suốt”, bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch như quét mã QR, thực hiện “5K”… Thái độ làm việc của cán bộ, công chức ở bộ phận “một cửa” tiếp tục là điểm sáng được ghi nhận.
Thực tế, dịch Covid-19 sẽ còn khó lường, đòi hỏi thích ứng an toàn trong hoạt động của bộ phận “một cửa” đặt ra những thách thức mới mà trước hết là nhu cầu đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Vì thế, các sở, ngành khẩn trương rà soát, xây dựng lộ trình, xác định trách nhiệm trong việc cải tiến quy trình thực hiện thủ tục và đơn giản hóa thủ tục hành chính; tiếp tục tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng... Đối với việc đổi mới cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết thủ tục hành chính, các sở, ban, ngành căn cứ nội dung, nhiệm vụ được giao, tổ chức thực hiện hiệu quả và đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng theo quy định.
Đáng lưu ý, để thúc đẩy người dân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, giảm tải cho bộ phận “một cửa” do phải tiếp nhiều người đến giao dịch trong cùng một thời điểm khi dịch Covid-19 còn phức tạp, cần phải chuẩn hóa về mặt pháp lý, nền tảng công nghệ để người dân dễ sử dụng, gồm cả việc thanh toán trực tuyến, gửi hồ sơ đăng ký và nhận kết quả từ xa thuận lợi. Thực hiện triệt để việc chuẩn hóa, sẽ tránh được việc người dân sử dụng trực tuyến nhưng vẫn phải đến bộ phận “một cửa” để trực tiếp thực hiện một công đoạn nào đó.
Ngoài ra, các cơ quan hành chính của thành phố Hà Nội cũng tiếp tục tăng cường liên thông, trao đổi, chia sẻ dữ liệu và sử dụng thông tin đồng bộ; doanh nghiệp, người dân không phải khai lại, trình bản chứng thực nhiều lần mà vẫn được sử dụng dịch vụ thuận tiện.
Để không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận “một cửa”, ngoài thái độ cầu thị, nghiêm túc của cán bộ, công chức làm việc tại đây cũng rất cần sự vào cuộc kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất của lãnh đạo các đơn vị cũng như đoàn kiểm tra công vụ thành phố, các địa phương... Các cơ quan, đơn vị có bộ phận “một cửa” nên xây dựng kế hoạch sẵn sàng chuyển trạng thái làm việc khi dịch được kiểm soát tốt hơn, cũng như xảy ra diễn biến xấu, bảo đảm giao dịch hành chính không bị đứt quãng. Còn với người dân, bên cạnh việc tích cực tìm hiểu và sử dụng các dịch vụ trực tuyến, nếu buộc phải đến giao dịch tại bộ phận “một cửa”, rất nên thực hiện tốt quy định phòng, chống dịch cũng như các hướng dẫn của cán bộ, công chức để bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng.
Thích ứng an toàn sẽ bảo đảm quy trình giải quyết thủ tục hành chính được thông suốt và hiệu quả, góp phần thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội.