Minh bạch nguồn gốc thực phẩm ở chợ dân sinh
Xã hội - Ngày đăng : 06:19, 02/10/2021
Người mua, người bán đều chưa quan tâm
Khảo sát tại các chợ dân sinh, việc mua bán nông sản, thực phẩm vẫn phổ biến theo cách truyền thống, cả người mua và người bán đều không quan tâm đến nguồn gốc nông sản, thực phẩm. Tại chợ Láng Hạ B (quận Đống Đa), các quầy rau hoa quả, thịt gia súc, gia cầm tươi sống đều không có thông tin về nguồn gốc sản phẩm, quy trình nuôi trồng, tình trạng bảo quản, vận chuyển sản phẩm. Chị Đặng Thu Hằng (phường Láng Hạ, quận Đống Đa) cho biết, mỗi khi đi chợ, chị chỉ tập trung chọn thực phẩm tươi mới chứ không hỏi về truy xuất nguồn gốc bởi nếu có hỏi, cũng chỉ nghe người bán nói rau trồng ở vùng nào chứ cũng không có gì chứng minh...
Tương tự, tại chợ Kim Giang (quận Thanh Xuân) cũng không sản phẩm nào gắn nhãn hiệu nhận diện nguồn gốc. Bà Nguyễn Như Quỳnh (phường Kim Giang) cho biết, việc yêu cầu tất cả các chủng loại hàng hóa đều gắn thông tin nhận diện nguồn gốc khó thực hiện. Bởi lẽ, chỉ mua mấy nghìn hành hay mớ rau thơm lại mất thời gian truy tìm xuất xứ? Còn theo bà Đoàn Thu Hiền (phường Thành Công, quận Ba Đình), bà cũng muốn mua sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, nhưng mấy hàng rau sạch trong chợ không có gì khác biệt với các hàng rau khác, giá lại cao hơn 10-20% nên bà vẫn chọn mua hàng có giá rẻ hơn.
Tại các chợ ở vùng ngoại thành cũng phổ biến tình trạng bán nông sản, thực phẩm của nông dân tự sản xuất hoặc buôn lại từ chợ đầu mối. Theo bà Đào Thị Lanh (tiểu thương ở chợ Vồi, huyện Thường Tín), hầu hết rau, củ, quả do bà bán đều thu mua của nông dân trong vùng tự trồng. Có sao bán vậy, cũng không thấy người mua hàng nào hỏi nguồn gốc của nông sản...
Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi, Thương mại và Đầu tư Đoài Phương (thị xã Sơn Tây) Nguyễn Huy Ba cho biết, hợp tác xã đã áp dụng công nghệ cao trong quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng, giết mổ gà Mía Sơn Tây theo tiêu chuẩn VietGAP, được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, nhưng chỉ cung cấp được một lượng gà thành phẩm có mã vạch QR cho các siêu thị và chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch; còn phần lớn vẫn bán cho thương lái theo cách truyền thống nên khi sản phẩm đến chợ dân sinh, người tiêu dùng không có thông tin để phân biệt chất lượng hàng hóa.
Thúc đẩy giám sát chất lượng hàng hóa
Trưởng ban Quản lý chợ quận Thanh Xuân Lê Thị Kim Anh cho biết, địa bàn quận quản lý có chợ dân sinh Thanh Xuân Bắc và chợ Kim Giang với nhiều người buôn bán nhỏ lẻ nên chưa ứng dụng truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Ban Quản lý chợ thường xuyên tuyên truyền các hộ kinh doanh chấp hành nghiêm quy định về bảo đảm an toàn nông sản, thực phẩm.
Theo Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi, Thương mại và Đầu tư Đoài Phương (thị xã Sơn Tây) Nguyễn Huy Ba, cùng với việc gắn mã nhận biết sản phẩm trên gà đã giết mổ, hợp tác xã dự định làm vòng nhận diện gắn vào gà chưa giết mổ, nhưng do dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, chăn nuôi của đơn vị nên chưa có kinh phí để đầu tư. Đơn vị rất cần được các sở, ban, ngành thành phố hỗ trợ chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ để đưa sản phẩm an toàn đến với người tiêu dùng.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết, huyện sẽ yêu cầu các ban quản lý chợ dân sinh thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng kiểm ra, giám sát chất lượng hàng hóa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Hộ kinh doanh tại chợ thực hiện việc ghi chép mua bán, lưu giữ hóa đơn, biên lai nhằm phục vụ việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ nhấn mạnh, để cung cấp nguồn nông sản, thực phẩm an toàn, ngành Nông nghiệp đẩy mạnh các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, xây dựng thương hiệu cho hàng nông sản. Cùng với đó phối hợp với các sở, ngành phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm sản và thủy sản; tham mưu cơ chế hỗ trợ các cơ sở kinh doanh tham gia hệ thống truy xuất để giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng hưởng lợi vì nguồn gốc sản phẩm minh bạch, tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý giám sát chất lượng hàng hóa, nông sản, thực phẩm.
Thực tế cho thấy, do người mua không có nhu cầu nên người bán cũng không quan tâm đến việc truy xuất hàng hóa. Vì môi trường văn minh thương mại và để bảo đảm nguồn nông sản, thực phẩm an toàn, người nội trợ nên thay đổi cách lựa chọn hàng hóa, thực phẩm theo hướng cần biết rõ nguồn gốc xuất xứ, từ đó thúc đẩy sự việc cung ứng hàng hóa của người sản xuất cũng như tiểu thương để mang lại những lợi ích lâu dài cho bản thân và cộng đồng.