Đóng cửa nhưng không ngừng hoạt động

Văn hóa - Ngày đăng : 06:22, 02/10/2021

(HNM) - Tranh thủ tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới sản phẩm, hình thức quảng bá di sản và chuẩn bị các điều kiện, sẵn sàng đón khách trở lại… là những phần việc mà nhiều bảo tàng, di tích trên địa bàn Hà Nội tập trung triển khai trong thời gian tạm đóng cửa để phòng, chống dịch Covid-19 trong đợt dịch lần thứ tư này. Những hoạt động đó nhằm làm mới điểm đến di sản, tăng sức hấp dẫn với công chúng khi bảo tàng, di tích được mở cửa trở lại trong thời gian tới.

Không gian trưng bày “Thắp lửa yêu thương” được giới thiệu qua kênh phát thanh và fanpage của di tích Nhà tù Hỏa Lò.

Đa dạng hình thức tiếp cận di sản

Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám vừa ra mắt Dự án không gian văn hóa Quốc Tử Giám, với mục tiêu hình thành một không gian mở, nơi hội tụ những ý tưởng, sáng kiến độc đáo, phát huy hiệu quả giá trị di sản từ những người yêu di tích. Chỉ trong thời gian ngắn, dự án đã nhận được hàng nghìn lượt đăng ký, tương tác qua các thông tin đăng tải về lịch sử, truyền thống khoa bảng… được lưu giữ tại không gian văn hóa đặc biệt này. Đây là một trong những tìm tòi của trung tâm, nhằm đưa di tích đến gần hơn với công chúng, bên cạnh các hoạt động thường xuyên được triển khai trong thời gian này, như: Số hóa di sản tại di tích, đẩy mạnh liên kết với các điểm đến di sản lân cận, ứng dụng công nghệ quảng bá sản phẩm…

Theo Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu, thời điểm đóng cửa di tích là quãng thời gian lắng lại để tập trung nghiên cứu, đổi mới hoạt động, xây dựng các sản phẩm tham quan, trải nghiệm hiệu quả hơn. “Giá trị của Văn Miếu là ở truyền thống tôn sư trọng đạo, tôn trọng nhân tài... Đổi mới tức là tìm cách đưa giá trị đó đến gần hơn những người tham quan, ứng xử với di tích bằng những biện pháp mới mẻ”, ông Lê Xuân Kiêu nhấn mạnh.

Trước đó, Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò cũng giới thiệu kênh phát thanh độc quyền trên ứng dụng Spotify như một sự chuyển mình mạnh mẽ, nhằm ứng phó hiệu quả với đại dịch Covid-19. Kênh gồm nhiều chuỗi tập tin âm thanh hoặc video số được Ban Quản lý trực tiếp thực hiện từ khâu sản xuất nội dung tới hậu kỳ sản phẩm. Sinh viên Nguyễn Thu Hằng (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: “Qua các câu chuyện lịch sử được kể tỉ mỉ, hấp dẫn cùng hệ thống âm nhạc cuốn hút, giọng đọc được đầu tư công phu trên ứng dụng Spotify đã mang đến cho tôi những phút giây trải nghiệm đầy ý nghĩa”.

Nâng cao hiệu quả phục vụ công chúng

Cùng với di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Nhà tù Hỏa Lò, các bảo tàng, di tích trên địa bàn Hà Nội đang trải qua quãng thời gian khá dài dừng đón khách tham quan. Đây là cơ hội để các điểm đến di sản tranh thủ thời gian tập huấn công tác chuyên môn; đổi mới, hoàn thiện các sản phẩm tham quan, trải nghiệm…, sẵn sàng đón khách trở lại.

Tại Bảo tàng Hà Nội, các cán bộ, nhân viên đang dồn sức thiết kế, thi công khu trưng bày mẫu, với chủ đề “Thiên nhiên Hà Nội”, trong đó tận dụng tối đa các biện pháp tương tác đa chiều từ hiện vật, tư liệu, bản đồ… đến phim, mô hình, tạo sức hấp dẫn cho điểm đến. Còn Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tập trung hoàn thiện Tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” vừa ra mắt công chúng trước thời điểm giãn cách xã hội, bên cạnh công tác nghiên cứu phục dựng điện Kính Thiên, đền Ngô Quyền…

Theo Trưởng phòng Hướng dẫn - Thuyết minh (Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội) Nguyễn Thị Yến, Tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” là sản phẩm mới, nên tranh thủ thời gian này, trung tâm tiến hành “tinh chỉnh” sản phẩm, trên cơ sở lắng nghe những ý kiến đóng góp của du khách. Còn theo Trưởng ban Quản lý di tích, danh thắng Hà Nội (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Nguyễn Doãn Văn, Ban quản lý đã tiến hành xử lý ẩm mốc, hoàn thiện việc tu bổ, tôn tạo, cải tạo các hạng mục xuống cấp ở một số di tích; tập trung bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên, nhất là công tác hướng dẫn, thuyết minh, bảo đảm các điều kiện phục vụ du khách khi các di tích được mở cửa trở lại.

Chuyên gia văn hóa Trương Quốc Toàn cho rằng, dịch Covid-19 đã làm hình thành, phát triển nhiều xu hướng tham quan, trải nghiệm, như xu hướng cá nhân hóa tham quan di tích, xu hướng số hóa. Chính vì thế, cần xây dựng các hoạt động, sản phẩm theo hướng chuyên biệt, chuyên sâu, tận dụng thế mạnh công nghệ giúp trải nghiệm, tham quan hấp dẫn hơn.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, Sở đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch gắn với công tác quản lý nhà nước, triển khai các nhiệm vụ chuyên môn phù hợp với tính thời điểm. Đồng thời chủ động xây dựng phương án, kịch bản trong từng lĩnh vực, tuân thủ hướng dẫn phòng, chống dịch cũng như linh hoạt trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, thay đổi phương thức làm việc (trực tuyến) không chỉ để ứng phó với dịch Covid-19 có thể kéo dài, mà còn tăng cơ hội quảng bá, giới thiệu giá trị di sản văn hóa tới nhiều người.

Nguyễn Thanh