Hà Nội tiếp tục kiểm soát chặt các khu vực có nguy cơ cao về dịch bệnh
Đời sống - Ngày đăng : 17:18, 02/10/2021
Phó Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội, Phó Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 thành phố chủ trì giao ban trực tuyến giữa Sở chỉ huy thành phố với Sở chỉ huy các sở, ngành, quận, huyện, thị xã triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Tăng cường khai báo y tế bằng mã QR
Báo cáo tại giao ban, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, từ 18h ngày 1-10 đến 12h ngày 2-10, trên địa bàn thành phố có 19 trường hợp F0 liên quan đến Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, nâng tổng số ca mắc liên quan tại đây lên 28 ca. Trong đó, thành phố Hà Nội có 22 ca, còn 6 ca tại các tỉnh, thành phố khác.
Tính đến nay, thành phố đã lấy được 7.260 mẫu xét nghiệm liên quan đến Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức. Trong đó, có 4.384 mẫu là nhân viên y tế, người bệnh, người chăm sóc; 1.385 mẫu tại khu dân cư xung quanh bệnh viện; 1.491 mẫu là những người về từ Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức. Về công tác tiêm vắc xin, đến nay, thành phố đã tiêm được 7.129.401 mũi, trong đó 5.831.532 mũi 1, đạt 96,9% dân số trên 18 tuổi và đạt 70,3% tổng dân số; 1.293.879 mũi 2, đạt 21,5% dân số trên 18 tuổi trong độ tuổi tiêm chủng, 15,8% tổng dân số.
Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương đề nghị các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; tiếp tục thực hiện xét nghiệm đối với các trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 như ho, sốt, khó thở; rà soát các trường hợp đến Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức để xét nghiệm và thực hiện cách ly…
Liên quan đến điểm dịch phát sinh mới tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Trương Quang Việt cho biết, đây là bệnh viện lớn thu dung bệnh nhân đến từ nhiều nơi nên tình hình khá phức tạp. Vì thế, CDC Hà Nội đã phối hợp với bệnh viện thành lập tổ phản ứng nhanh phòng, chống dịch tại bệnh viện; thực hiện cách ly tất cả F1.
Tại giao ban đã có 15 ý kiến phát biểu gồm đại diện Công an thành phố, Bộ Tư lệnh Thủ đô, các sở: Công Thương, Giao thông Vận tải, Thông tin và Truyền thông; các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Thanh Trì, Hai Bà Trưng, Đống Đa… Trong đó, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, Sở đã tham mưu kiện toàn Tiểu ban Truyền thông của Ban Chỉ đạo thành phố Hà Nội phòng, chống dịch Covid-19; xây dựng kịch bản truyền thông hằng tuần bám sát kế hoạch truyền thông của Tiểu ban Truyền thông Trung ương và Ban Chỉ đạo của thành phố; duy trì việc gửi các cơ quan báo chí thông tin báo chí hằng ngày về công tác phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố (cập nhật đến 18h hằng ngày). Về các giải pháp công nghệ phục vụ công tác phòng, chống dịch, Sở tiếp tục thực hiện tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh của người dân về phòng, chống dịch từ Tổng đài 1022, tài khoản Zalo...
Qua thống kê cho thấy, thực hiện chỉ đạo của thành phố, các địa phương đã vào cuộc tích cực, vì vậy số xã, phường, thị trấn không có lượt quét mã QR phát sinh trong ngày đã giảm rõ rệt. Vì vậy, Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị các quận, huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng các nền tảng công nghệ, đặc biệt là khai báo y tế điện tử và quản lý thông tin người ra vào địa điểm công cộng bằng mã QR để bảo đảm việc truy vết nhanh chóng, chính xác phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Tuyệt đối không được chủ quan
Phát biểu chỉ đạo tại giao ban, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng nêu rõ, từ ngày 21-9 đến 30-9, số ca mắc trên địa bàn được kéo giảm đáng kể, với trung bình 5 ca mắc mỗi ngày, số ca mắc ngoài cộng đồng rất ít. Tuy nhiên từ ngày 1-10, xuất hiện chùm ca bệnh phức tạp ở Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Khi phát hiện ca chỉ điểm, các đơn vị như quận Hoàn Kiếm, Sở Y tế đã triển khai kịp thời các giải pháp để kiểm soát chùm ca bệnh.
Phó Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, thành phố vẫn phải đối mặt với nguy cơ lây lan dịch bệnh tiềm ẩn, do đó, công tác phòng, chống dịch tiếp tục phải thực hiện tập trung cao nhất, không được lơ là. Việc nới lỏng phải kèm theo siết chặt quản lý, kiểm tra xử lý nghiêm vi phạm. Các sở, ngành, quận huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng, Ban Chỉ đạo quốc gia và của thành phố, đặc biệt là Chỉ thị số 22/CT-UBND với những đầu việc đã được nêu rất cụ thể như: Duy trì quản lý các chốt kiểm soát cửa ngõ thành phố; các chốt tự quản ở khu dân cư, giám sát chặt di biến động, phát hiện kịp thời các trường hợp vi phạm; tăng cường ý thức của người dân trong công tác phòng, chống dịch, không tụ tập đông người, thực hiện nghiêm thông điệp “5K”; thực hiện nghiêm phương châm: “5K + vắc xin + thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân”…
Nêu 6 nhóm vấn đề trọng tâm các đơn vị cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các trung tâm y tế triển khai ngay phần mềm xét nghiệm đã được tập huấn. Đồng thời, giao Sở Thông tin và Truyền thông chuẩn bị kế hoạch để triển khai phần mềm PC Covid; tiếp tục duy trì, kiện toàn, nâng cấp tốt hơn Tổng đài 1022. Công an thành phố phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế và các đơn vị của Bộ Công an triển khai phần mềm trên nền tảng dữ liệu dân cư.
Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu các địa phương cần có kế hoạch tập huấn, tuyên truyền cho người dân trong việc cài đặt sử dụng các mã QR; Sở Thông tin và Truyền thông cùng với Thành đoàn Hà Nội phụ trách nội dung này.
Phó Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Y tế hướng dẫn triển khai mô hình bác sĩ gia đình; bảo đảm thuốc, vật tư y tế; tin học hóa, từng bước số hóa các hoạt động của trạm y tế. UBND các quận, huyện, thị xã, sở, ngành thành phố tiếp tục kiểm soát tình hình dịch trên địa bàn mình phụ trách một cách chủ động, không lơ là; chủ động phương án “4 tại chỗ” để không bị động bất ngờ trong mọi tình huống.
Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu lãnh đạo các địa phương vào cuộc khẩn trương trong công tác xét nghiệm, rà soát lại các quy trình và từng khâu để rút ngắn thời gian và nâng cao chất lượng xét nghiệm. Bên cạnh đó, cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các khu vực nguy hiểm có nguy cơ cao trên địa bàn. Đặc biệt các địa bàn có các bệnh viện của bộ, ngành trung ương phải thực hiện tầm soát cho cán bộ và nhân viên của bệnh viện theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh xét nghiệm cho người có triệu chứng ho, sốt; triển khai tiêm vắc xin mũi 2 một cách khoa học, minh bạch và an toàn. Cùng với đó là tăng cường kiểm tra, đôn đốc cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp, tổ chức xét nghiệm thường xuyên cho cán bộ, công nhân, xây dựng phương án trạm y tế lưu động trong khu công nghiệp.
Cùng với đó, tiếp tục triển khai công tác an sinh xã hội, rà soát, hoàn thành các công việc theo các văn bản chỉ đạo của Trung ương và thành phố. “Phải khẩn trương triển khai một cách thực chất nhất để kiểm soát dịch, phục hồi sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng nêu rõ.
Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.