''Người tốt'' của khách sạn Hòa Bình
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:32, 02/10/2021
Tình nguyện làm việc khó
Cán bộ, nhân viên của khách sạn Hòa Bình vẫn nói vui với nhau rằng, khu vực dành riêng cho khách nhập cảnh thực hiện cách ly y tế tập trung tại khách sạn là “team 3” (nhóm 3) để phân biệt với những khu vực khác. Đó là khu vực riêng biệt, từ tầng 2 đến tầng 4, có quy định riêng về lối ra - vào và khu vực này luôn ở trong tình trạng “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Khách được đưa đến khách sạn Hòa Bình để cách ly tập trung phần lớn là chuyên gia nước ngoài mới nhập cảnh, phải thực hiện cách ly y tế bắt buộc trong 14 ngày, có thời điểm là 21 ngày - tùy theo quy định của Bộ Y tế trong những giai đoạn khác nhau của “cuộc chiến” chống dịch Covid-19. Để phục vụ khách cách ly, khách sạn bố trí đội ngũ phục vụ phòng riêng và họ gần như phải cách ly cùng khách.
Chị Vũ Thị Hồng Nhung năm nay 50 tuổi, là nhân viên lớn tuổi nhất của Tổ buồng, tình nguyện tham gia công tác phục vụ khách cách ly. Chị bắt đầu nhận phần việc này từ tháng 3-2020, khi khách sạn Hòa Bình là đơn vị lưu trú du lịch đầu tiên được UBND thành phố Hà Nội chọn làm nơi cách ly tập trung cho các chuyên gia nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam để làm việc. Đến nay, người phụ nữ có vóc dáng nhỏ bé này đã có 7 đợt làm việc tại “team 3” và là tấm gương đối với các nhân viên tại khách sạn Hòa Bình về tinh thần trách nhiệm, thái độ tận tâm trong việc chăm sóc khách đang cách ly y tế.
Nhớ lại khi mới làm nhiệm vụ, chị Vũ Thị Hồng Nhung cho biết, thời điểm đó tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam không phức tạp như hiện nay, nhưng mọi người đều lo lắng, bởi khi ấy chưa có vắc xin và số ca mắc cũng như con số tử vong trên thế giới tăng từng ngày. “Chúng tôi ai cũng lo lắng khi phải thực hiện quy trình bảo đảm an toàn cho khách một cách nghiêm ngặt, chưa có tiền lệ. Lo đấy, song chúng tôi động viên nhau cố gắng để giúp khách an tâm lưu trú. Lúc đầu ai cũng lúng túng, bởi chưa quen với việc mặc đồ bảo hộ cũng như quy trình, quy định nghiêm ngặt được đề ra, nhưng chỉ 2-3 ngày sau là chúng tôi đã thích nghi”, chị Nhung kể.
Theo phân công của Ban Giám đốc khách sạn Hòa Bình, mỗi đợt khách đến cách ly sẽ bố trí khoảng 2-4 người trong Tổ buồng cùng một nhân viên kỹ thuật phải ở hẳn trong “team 3” để bảo đảm quy trình phòng, chống dịch. Khi khách nhập cảnh, từ Sân bay quốc tế Nội Bài về khách sạn, người trong tổ phục vụ tiếp nhận hành lý, xếp phòng cho khách. “Khách chủ yếu là chuyên gia nước ngoài sang làm việc, nên có rất nhiều đồ đạc. Có nhiều khách đi cả gia đình, tổng số thùng đồ và va li lên đến gần 20 kiện hàng. Chúng tôi gồm 3 người, thay nhau bê và hỗ trợ khách. Nhiều lúc nghĩ, không hiểu sao mình lại khỏe đến thế”, chị Nhung vui vẻ cho biết.
Công việc mỗi ngày của tổ phục vụ khách là chuyển các suất ăn đến từng phòng, hỗ trợ đưa vật dụng thiết yếu và đồ dùng mà khách yêu cầu thêm để giúp họ thoải mái, yên tâm khi cách ly. “Mỗi sáng, chúng tôi dậy từ 5h để kịp chuẩn bị bữa sáng vào lúc 6h. Nhiều khi có những đoàn khách về tới khách sạn vào lúc nửa đêm, chúng tôi hoàn thành việc sắp xếp đồ đạc, hỗ trợ khách xong xuôi đã là 2h sáng”, chị Nhung bộc bạch.
Lan tỏa việc tốt
Mỗi đợt lên “team 3” là chị Nhung và các đồng nghiệp xác định xa gia đình từ 14 đến 21 ngày. “Nhiều lúc tôi cảm thấy cô đơn vì chỉ có 2-3 người làm việc với nhau, tối đến ai về phòng người nấy. Chúng tôi chỉ có thể nói chuyện với gia đình vào giờ nghỉ trưa và buổi tối, bởi khi làm việc thì không thể mang điện thoại theo do ai cũng phải mặc đồ bảo hộ”, chị Nhung kể. Là người lớn tuổi nhất Tổ buồng, chị Nhung thường xuyên chia sẻ, động viên các đồng nghiệp trẻ, nhất là những người có con nhỏ, phần nào giúp họ vơi bớt nỗi nhớ nhà.
Tuần vừa rồi, khi đã hoàn thành việc phục vụ đợt khách cách ly thứ 7, chị Nhung được trở về nhà sau khi trải qua thủ tục kiểm tra y tế nghiêm ngặt. Kể về kỷ niệm trong quá trình phục vụ khách cách ly, chị Nhung nhớ như in câu chuyện về một thanh niên người Israel, thường tỏ ra buồn chán, bởi phải ở trong phòng cách ly dài ngày. “Mỗi lần đến đưa đồ ăn, tôi đều thấy cậu ấy chờ sẵn ở cửa, như đang rất thèm có người để nói chuyện. Chúng tôi không thể nói chuyện trực tiếp vì cậu ấy không nói được tiếng Anh, nên tôi sử dụng điện thoại với phần mềm chuyển ngữ để nói chuyện, động viên cậu ấy”, chị Nhung chia sẻ. Hay như hành động một vị khách Nhật Bản khi cúi chào để bày tỏ sự cảm ơn tổ phục vụ đã hỗ trợ trong suốt thời gian thực hiện cách ly tại khách sạn cũng để lại nhiều ấn tượng với chị. “Chúng tôi rất xúc động trước tình cảm của khách. Đó là những kỷ niệm không bao giờ quên”, chị Nhung nói.
Thời gian dài ở trong khu vực cách ly cùng khách, hiểu được tâm trạng buồn rầu, có khi là cô đơn của nhiều vị khách phương xa, chị Nhung và các đồng nghiệp nghĩ ra sáng kiến mỗi ngày gửi cho khách một tờ phiếu, đưa cùng suất ăn để khách có thể viết cảm nghĩ, nhu cầu của mình lên đó rồi gửi ra ngoài. “Chúng tôi muốn giúp các vị khách có thêm cách để thư giãn khi viết lên tâm tư, suy nghĩ, đánh giá của mình trong thời gian lưu trú. Đó có lẽ cũng là cách để họ có thêm thiện cảm với khách sạn và về dịch vụ lưu trú của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung”, chị Nhung giãi bày.
Đánh giá về nỗ lực của chị Vũ Thị Hồng Nhung trong hơn một năm làm nhiệm vụ chăm sóc, hỗ trợ khách nhập cảnh, Phó Giám đốc khách sạn Hòa Bình Nguyễn Huyền Trang cho biết, chị Nhung làm việc trách nhiệm và là tấm gương để những nhân viên trẻ học tập. “Khách sạn Hòa Bình đã thực hiện cách ly y tế cho hơn 1.240 khách và chưa để xảy ra sự cố nào. Nhiều vị khách đã có đánh giá tốt về phong cách phục vụ của khách sạn. Thành công này có sự đóng góp của cả tập thể, trong đó có chị Nhung”, Phó Giám đốc khách sạn Hòa Bình Nguyễn Huyền Trang cho biết thêm.
Với tinh thần làm việc trách nhiệm, luôn tận tâm trong việc phục vụ khách cách ly tập trung, vừa qua, chị Vũ Thị Hồng Nhung đã được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2021. “Đây là vinh dự và là niềm tự hào to lớn đối với tôi, nhắc nhở tôi cần cố gắng hơn nữa trong công việc phục vụ khách, không chỉ trong thời gian này mà cả sau này, khi khách sạn đón du khách bình thường trở lại”, chị Nhung nói.
Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.