Các vựa hoa Hà Nội tất bật vào vụ sản xuất cuối năm

Nông nghiệp - Ngày đăng : 14:30, 02/10/2021

(HNMO) - Hà Nội có hơn 6.500ha hoa, cây cảnh các loại, trong đó có 50 vùng sản xuất hoa, cây cảnh tập trung, quy mô 20ha/vùng với đủ các loại từ hoa cắt cành, hoa cây cảnh trong chậu, cây thế... Loại hình này phát triển mạnh ở các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Mê Linh, Đan Phượng, Thường Tín...

2021 là một năm nhiều khó khăn với các vùng sản xuất hoa, cây cảnh trên địa bàn thành phố, đặc biệt, sau 2 tháng ảnh hưởng dịch Covid-19, các nhà vườn tất bật khôi phục sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường dịp cuối năm.

Duy trì sản xuất trong đại dịch 

Gia đình ông Phạm Xuân Bính ở xã Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng) là một trong những hộ đầu tiên của xã chuyển đổi trồng lúa sang trồng hoa ly theo hướng công nghệ cao, giúp gia đình cải thiện thu nhập (500 triệu đồng/ha/năm); tạo việc làm cho gần chục lao động địa phương với mức thu nhập 4-7 triệu đồng/người/tháng.

Trong hơn 2 tháng vừa qua, một phần diện tích hoa của gia đình gặp khó đầu ra do giãn cách xã hội. "Dù còn nhiều khó khăn, gia đình vẫn xuống giống hoa cho kịp vụ Tết và tập trung chăm sóc diện tích hoa đang đến kỳ thu hoạch. Mong rằng dịch bệnh ổn định để vụ hoa Tết năm nay bù đắp vốn liếng cho hàng nghìn nông dân chuyên trồng hoa", ông Bính chia sẻ.

Tương tự, tại xã Tích Giang (huyện Phúc Thọ), gia đình anh Kiều Bình Thanh là một trong những hộ trồng hoa chậu, hoa cành lớn trên địa bàn với quy mô 7.000m2. Gia đình anh Thanh gieo trồng, chăm sóc khoảng 15.000 chậu hoa với đủ các loại (giấy, hồng, dạ yến thảo, mười giờ...).

Trong khoảng 2 tháng dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn Hà Nội, gia đình anh Thanh vẫn duy trì chăm sóc, đầu tư cây giống, phân bón, bảo đảm cung cấp nước cho những chậu hoa. Anh Thanh cho hay, may mắn, địa phương luôn bảo đảm tình hình dịch bệnh không bùng phát, hoa trong chậu được chăm sóc đẹp nên những ngày này, thị trường đang được khởi động lại...

Còn tại Mê Linh - một trong những vựa hoa lớn của Hà Nội, trên những cánh đồng dễ dàng bắt gặp hình ảnh bà con tất bật gieo trồng, chăm sóc vụ hoa mới. Hầu hết diện tích cũ đã được thu hoạch hoặc cắt bỏ để làm đất, gieo cấy vụ hoa mới, kịp thời cung ứng dịp lễ tết cuối năm. Nhiều diện tích hoa giống cũng đang được nông dân tích cực sản xuất, bảo đảm nguồn cung cho nông hộ trên địa bàn Mê Linh.

Sau thời gian giãn cách xã hội, để phòng, chống dịch Covid-19, nhu cầu về hoa chưa tăng mạnh nhưng giao thương đang trở lại. 100% số chủ nhà vườn tại địa phương rốt ráo chăm sóc hoa nhằm bảo đảm cung ứng thị trường hiện nay và cuối năm.

Các vùng hoa trên địa bàn thành phố đang tích cực vào vụ sản xuất hoa mới với mong muốn thị trường sớm được cải thiện.

Còn đó những âu lo...

Sản phẩm hoa của huyện Mê Linh được tiêu thụ quanh năm, khắp mọi miền đất nước. "Nếu như các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc thích hoa truyền thống thì các tỉnh Trung Bộ và miền Nam lại ưa chuộng giống ngoại nhập", chủ nhà vườn Trí Vũ ở xã Mê Linh cho hay.

Thực tế vài năm qua, khu vực phía Nam cũng là thị trường mang lại nguồn thu chủ yếu cho các nhà vườn tại huyện Mê Linh. Tình hình dịch bệnh Covid-19, nhất là tại các tỉnh phía Nam hiện nay còn phức tạp khiến nhiều nhà vườn lo lắng.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Phạm Thành Đô, toàn huyện có gần 100ha sản xuất hoa bầu, hoa chậu, hoa thế với sự tham gia của khoảng 500 hộ dân. Ngoài ra, toàn huyện canh tác khoảng 700-800ha hoa cắt cành các loại, chủ yếu là cúc, hồng, ly... Diện tích hoa tập trung tại các xã: Đại Thịnh, Mê Linh, Văn Khê... Hằng năm, địa phương cung ứng cho thị trường hàng chục triệu chậu hoa cảnh các loại.

"Mặc dù việc lưu thông hàng hóa đã được khởi động trở lại nhưng việc vận chuyển, lưu thông sẽ gặp khó khăn khi còn nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội, nhu cầu hoa cảnh giảm mạnh do thu nhập giảm.Vì thế, đi đôi với vực dậy sản xuất, với nông dân, vụ hoa cuối năm vẫn còn nhiều trăn trở", ông Đô cho hay.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho biết, hiện diện tích hoa, cây cảnh trên địa bàn huyện đạt tới hơn 400ha. Từ hiệu quả kinh tế những năm trước, nông dân trên địa bàn huyện đã đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ trồng hoa, nhiều hộ đã đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất như nhà màng, nhà lưới... nên không dễ dàng chuyển sang cây trồng khác ngay cả khi sản phẩm khó tiêu thụ. Tuy khó khăn còn khó lường nhưng xác định "sống với nghề trồng hoa" nên hầu hết các hộ vẫn duy trì sản xuất, mong thị trường hoa Tết sôi động...

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ nhận định, dù còn những khó khăn nhất định, phụ thuộc yếu tố thời tiết và tác động của dịch bệnh, song nghề chuyên canh hoa, cây cảnh vẫn là nguồn sinh kế quan trọng, mang lại thu nhập ổn định cho hàng vạn nông hộ trên địa bàn Hà Nội. Ngành Nông nghiệp định hướng các địa phương tiếp tục duy trì diện tích hoa hiện có, đồng thời, nghiên cứu nhân rộng mô hình trồng hoa công nghệ cao, tạo sản phẩm chất lượng tốt, ít chịu tác động của ngoại cảnh...

Bạch Thanh