Ngân hàng chia sẻ gánh nặng với doanh nghiệp
Tài chính - Ngày đăng : 07:26, 02/10/2021
Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Theo Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) Nguyễn Tuấn Anh từ khi xảy ra dịch Covid-19 (ngày 23-1-2020) đến nay, ngành Ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho khoảng 215.000 khách hàng, với dư nợ đạt 227.000 tỷ đồng, lũy kế giá trị nợ được cơ cấu là khoảng 520.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tổng số lợi nhuận mà các ngân hàng thương mại chia sẻ lãi suất với doanh nghiệp là khoảng 26.000 tỷ đồng. Dư nợ cho vay mới để phục hồi sản xuất, kinh doanh cũng như hỗ trợ người dân là khoảng 4,46 triệu tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng dư nợ toàn nền kinh tế (khoảng 9,8 triệu tỷ đồng).
Ngoài ra, 16 ngân hàng thương mại đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay áp dụng từ ngày 15-7 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính 20.613 tỷ đồng. Riêng 4 ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục cam kết dành gói hỗ trợ 4.000 tỷ đồng để giảm lãi suất, giảm 100% các loại phí dịch vụ ngân hàng cho khách hàng tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Tính từ ngày 15-7 đến hết tháng 8-2021, 16 ngân hàng thương mại (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) đã giảm lãi suất cho vay theo cam kết, với tổng số tiền lãi đã giảm là 8.865 tỷ đồng. Trong đó, 4 ngân hàng lớn: NN&PTNT (Agribank) giảm cho khách hàng 4.726 tỷ đồng; Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) giảm 1.032 tỷ đồng; Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) giảm 943 tỷ đồng; Công Thương Việt Nam (VietinBank) giảm 857 tỷ đồng.
Đại diện VietinBank cho biết, bên cạnh các chính sách miễn, giảm lãi suất cho vay và phí dịch vụ, ngân hàng tiếp tục bổ sung gói tín dụng ưu đãi lãi suất từ 4%/năm, với quy mô 20.000 tỷ đồng, hỗ trợ các khách hàng hoạt động trong ngành nghề, địa bàn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19, như: Dệt may, da giày, dược, vật tư y tế, thương mại phân phối, bán lẻ, lúa gạo, thủy sản, vận tải, hàng tiêu dùng thiết yếu…, nâng tổng quy mô các gói hỗ trợ của ngân hàng này lên tới 150.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, nhiều ngân hàng khác cũng liên tục triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 kể từ cuối tháng 4-2021 đến nay. Không chỉ giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, giãn nợ…, ngân hàng còn có thêm nhiều dịch vụ với mức phí thấp để giúp doanh nghiệp và người dân có điều kiện tiếp cận nguồn vốn.
Hỗ trợ bình đẳng với các ngành kinh tế
Mặc dù ngân hàng đã có nhiều hỗ trợ đối với doanh nghiệp, nhưng đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư đã khiến nhiều doanh nghiệp bị đứt gãy sản xuất, không thể cầm cự. Theo Tổng cục Thống kê, 9 tháng năm 2021, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 45,1 nghìn đơn vị; số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 32,4 nghìn đơn vị; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 12,8 nghìn đơn vị, đều tăng cao so với cùng kỳ năm 2020.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Du lịch và tiếp thị giao thông - vận tải Việt Nam (Vietravel) Nguyễn Quốc Kỳ cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành Du lịch phải đóng cửa. Các nhà hàng, khách sạn, đơn vị lữ hành, vận chuyển, dịch vụ hầu như phải tạm dừng, khiến hàng vạn lao động thất nghiệp. Riêng với Vietravel, trước dịch, doanh thu đạt 7.000-8.000 tỷ đồng/năm, nhưng đến nay thậm chí không đạt 10% số trên.
Trong bối cảnh khó khăn, hầu hết doanh nghiệp đều có chung mong muốn ngành Ngân hàng tiếp tục hỗ trợ, chia sẻ không chỉ trong năm 2021 mà kéo dài trong cả năm 2022. Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, đợt dịch Covid-19 lần thứ tư đã khiến hầu hết các ngành kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề. Do đó, chính sách hỗ trợ về vốn cũng cần bình đẳng với tất cả các ngành kinh tế, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi.
Về vấn đề này, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, Ngân hàng Nhà nước và hệ thống tổ chức tín dụng sẽ tiếp tục chủ động triển khai các giải pháp hỗ trợ về vốn nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, phục hồi tăng trưởng kinh tế. Việc khôi phục nền kinh tế thông qua tăng cường năng lực doanh nghiệp sẽ là nhiệm vụ ưu tiên của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới.
“Ngân hàng Nhà nước sẽ xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Ngân hàng Nhà nước cũng thường xuyên rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng ngân hàng thương mại trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị, điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh. Trong đó, ưu tiên giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân”, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh.