Nới lỏng giãn cách, nhà sách mở cửa
Văn hóa - Ngày đăng : 13:49, 03/10/2021
Mua sách ngày giãn cách
Hai tháng thực hiện giãn cách, hàng loạt nhà sách tạm đóng cửa nhưng nhiều đơn vị vẫn mở kênh online nhằm nỗ lực mang sách đến gần độc giả. “Tuân thủ 5K - mua sách tại gia”, không chỉ phục vụ độc giả tại website chính thức, nhiều đơn vị còn mở các cửa hàng online trên một số sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada... với các chương trình ưu đãi như miễn phí giao hàng, chiết khấu giảm giá bìa...
Tuy nhiên, do những khó khăn về vận chuyển nên các đơn hàng đặt sách thời gian qua được giao khá chậm. Anh Nguyễn Đức Anh (quận Cầu Giấy) cho biết, bình thường, sách anh đặt mua chỉ 3 - 5 ngày là đến nơi, “nhiều khi sách được giao trong 24h, nếu trả thêm phí. Nhưng vừa qua tôi phải đợi 21 ngày thì sách mới đến tay”. Nhiều độc giả cũng phản ánh về sự chậm trễ khi mua sách online trong những ngày giãn cách, thậm chí còn tỏ ra nghi ngờ về “độ chân thật” của cửa hàng sách online.
Đại diện của Công ty cổ phần Văn hóa Đông A đã phải khẳng định với bạn đọc: “Gian hàng của Nhà sách Cá Chép trên Shopee Mall đúng là của Cá Chép. Tuy nhiên đơn Shopee của Cá Chép vận chuyển từ kho ở thành phố Hồ Chí Minh. Tình hình dịch đang căng thẳng nên kho Cá Chép ở thành phố Hồ Chí Minh vẫn nhận đơn nhưng chỉ có thể vận chuyển sau khi dịch ổn định. Vì vậy, nếu bạn ở Hà Nội và có nhu cầu mua hàng thì có thể gọi trực tiếp cho số hotline nhà sách ở Hà Nội để được tư vấn”.
Nhiều người mua sách đã nhận được phản hồi từ các đơn vị kinh doanh hoặc được chia sẻ kinh nghiệm từ chính cộng đồng yêu đọc sách về sự chậm trễ như trên. Bởi sách được để ở nhiều kho khác nhau, nên với những đơn sách mà người mua ở nơi xa, hoặc những đơn sách được vận chuyển từ các kho ở phía Nam, khi gửi ra cho độc giả phía Bắc sẽ chậm hơn. Thậm chí, trong những ngày dịch bệnh căng thẳng, ngay trong cùng địa bàn Hà Nội cũng có những đơn hàng tồn đọng do đơn vị vận chuyển tạm ngừng hoạt động, hoặc do địa chỉ khách hàng nằm trong vùng đỏ và đơn vị vận chuyển từ chối giao hàng.
Ngay cả với sách giáo khoa, nhiều gia đình cũng chỉ nhận được sách sau khi năm học mới đã bắt đầu. Đó có lẽ cũng là một phần lý do để thành phố Hà Nội khi điều chỉnh biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đã cho phép cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập hoạt động.
Mở nhưng không “bung”
Trong sự ngóng đợi của cộng đồng, hàng loạt thông báo mở cửa trở lại của các nhà sách đã “treo” trên mạng xã hội. Hài hước hơn cả phải kể đến dòng thông báo: “Tay gõ thông báo mà nước mắt tuôn rơi” của Nhà sách Nhã Nam trên Facebook nhận được cả nghìn lượt yêu thích.
Nhà sách mở cửa trở lại nhưng không được “bung” như trước. Các cửa hàng sách cũng như người mua đều phải tuân thủ nghiêm túc các quy định phòng dịch. Các cửa hàng sách thực hiện đầy đủ biện pháp phòng, chống dịch, khai báo y tế bắt buộc với nhân viên, thực hiện 5K, hạn chế tiếp xúc trực tiếp, và đặc biệt là có mã QR để khách hàng “check-in” khai báo y tế. Chị Ngô Thu Trang (quận Thanh Xuân) cho biết: “Ở nhà quá lâu khiến bọn trẻ có cảm giác tù túng, tôi muốn cho các cháu ra nhà sách để chọn mua đồ dùng phục vụ học tập, cũng là để chuẩn bị sẵn sàng nếu Thành phố cho học sinh trở lại trường trong những ngày sắp tới”.
Dạo qua vài nhà sách, có thể nhận thấy khách đến mua không quá đông như những ngày thường trước đây. Theo anh Nguyễn Việt Thắng, đại diện Nhà sách Cá Chép, dù chưa hoạt động bình thường như trước nhưng việc được mở lại cửa hàng đã là hạnh phúc, bởi “mở thì còn được bán online và bán cho những người dân sống gần khu vực nhà sách”. Có thể thấy ở các cửa hàng sách, việc tuân thủ 5K khá chặt chẽ, giờ đóng mở cửa được thông báo công khai, các nhà sách Cá Chép, Nhã Nam, Tiến Thọ... mở cửa đến 21h hằng ngày.
Nhìn vào thị trường sách nói chung, sự hân hoan là điều thấy rõ từ phía nhà kinh doanh và người mua. Đó là một biểu hiện của niềm vui trong cuộc sống bình thường mới mà ai cũng mong đợi.