Tăng cường phối hợp, hạn chế để người lao động từ vùng dịch tự phát về quê
Đời sống - Ngày đăng : 12:40, 03/10/2021
Về quê tự phát gây nhiều lo lắng
Tại Cà Mau, chỉ trong vòng 24 giờ (từ 6h ngày 1-10 đến 6h ngày 2-10), đã có hơn 1.300 người, phần lớn từ thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai, về quê. Số người về tăng đột biến do nhiều địa phương nới lỏng giãn cách từ ngày 1-10. Trong khi đó, tình hình dịch Covid-19 tại Cà Mau vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan; tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 1 mới đạt hơn 17%, mũi 2 đạt hơn 8%. Ngày 2-10, có ít nhất 9 ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2 được phát hiện từ dòng người tự phát về quê.
UBND tỉnh Cà Mau thông tin, tỉnh vẫn có phương án đón công dân tại các nơi về quê, ưu tiên phụ nữ có thai và người già, trẻ em, theo từng đợt, số lượng phù hợp với năng lực kiểm soát, cách ly phòng dịch của tỉnh. Tuy nhiên, với việc rất nhiều người tự phát về quê như mấy ngày qua, tình hình sẽ rất khó kiểm soát.
Trong khi đó, tại An Giang, có hơn 3.000 người từ các tỉnh Đông Nam Bộ tự phát đi xe máy về quê trong một ngày, khiến các địa phương của tỉnh rất bị động trong tiếp nhận, cách ly, xét nghiệm, sàng lọc. Trong khi đó, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên địa bàn. Riêng trong ngày 2-10, tỉnh ghi nhận 147 ca nhiễm mới. Tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 1 của địa phương là 19%, mũi 2 là 6%.
Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất cần tập trung khống chế các ổ dịch trên địa bàn tỉnh, không có chủ trương tiếp nhận người dân tự do di chuyển từ các địa phương khác về quê. Đối với những trường hợp người dân tự phát đã về đến cửa ngõ của tỉnh, sẽ chỉ tiếp nhận hết ngày 2-10. Cần nhấn mạnh rằng, trong suốt thời gian vừa qua, dù tập trung phòng, chống dịch Covid-19, nhưng tỉnh An Giang vẫn phối hợp với các địa phương đưa người về tập trung một cách có tổ chức; số lượng mỗi đợt phù hợp với năng lực tiếp nhận của địa phương. Nếu người dân tự ý về quê không kiểm soát, sẽ khiến nguy cơ dịch bệnh lây lan. “Đề nghị bà con hợp tác để tỉnh phối hợp đưa về từng đợt như trước đây, vừa đảm bảo an toàn cho bà con trên đường đi, vừa an toàn phòng dịch cho quê nhà”, đồng chí Lê Hồng Quang nhấn mạnh.
Thành phố Cần Thơ và các tỉnh như Tiền Giang, Sóc Trăng… cũng đang trong hoàn cảnh tương tự. Cả 13 tỉnh, thành miền Tây vừa trải qua hơn 2 tháng tăng cường giãn cách phòng dịch theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; các điểm cách ly tập trung của địa phương đều đông chật người. Thời gian qua, các tỉnh, thành phố vẫn nỗ lực duy trì việc đón công dân về từng đợt, mỗi đợt khoảng 500-700 người, phù hợp với năng lực tiếp nhận và cách ly 14 ngày theo quy định. Nay, hàng nghìn người đổ về cùng lúc, dẫn đến tình trạng quá tải, nguy cơ dịch bệnh lây lan rất cao.
Tăng cường phối hợp quản lý
Ngày 30-9, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện hỏa tốc gửi UBND thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, yêu cầu các địa phương này phối hợp thực hiện nghiêm việc quản lý người ra khỏi khu vực. Việc đón người ra khỏi khu vực này trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, cần có sự thống nhất của các địa phương nơi tiếp nhận, để tổ chức cho người dân di chuyển an toàn. Công điện ghi rõ: “Lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Long An chịu trách nhiệm trước Thủ tướng nếu để người dân tự phát ra khỏi địa phương mình về các tỉnh, thành ngoài khu vực”.
Ngày 2-10, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9-2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kêu gọi người dân nên kiềm chế, không di chuyển tự phát làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Thủ tướng yêu cầu thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh có đông người dân, lao động ngoại tỉnh tiếp tục tuyên truyền, giải thích, vận động người dân ở lại để được tiêm vắc xin đầy đủ; tiếp tục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội. Nếu người dân thực sự có mong muốn về quê vì các lý do khác nhau thì các địa phương phối hợp tổ chức đón, đưa, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch; đi lại thuận lợi, đảm bảo an toàn giao thông và tránh gây bức xúc cho người dân. Các địa phương phía Nam đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo này.
Tại tỉnh Đồng Nai, ngày 2-10 có hơn 4.000 công nhân ngoại tỉnh tại huyện Vĩnh Cửu tập trung đi xe máy để về quê. Lực lượng chức năng địa phương đã tuyên truyền, thuyết phục họ ở lại, nhưng không thành. Để đảm bảo an toàn phòng dịch, tỉnh Đồng Nai đã cử lực lượng xuống phân loại, lập danh sách, xét nghiệm nhanh. Những người có kết quả âm tính được lập thành đoàn, báo cho nơi nhận. Lực lượng công an, quân đội tỉnh Đồng Nai tổ chức đưa những người này và phương tiện của họ về tận quê, không để tự phát đi về.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo các sở, ngành và địa phương đã đến tận các chốt kiểm soát ngoại vi để tuyên truyền, vận động người dân quay về nơi trọ, chờ đăng ký và được quê hương đón về theo đợt. Còn tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đang có 3.000 công nhân người miền Tây muốn về quê. Tỉnh đang phối hợp với các địa phương đưa người về một cách có tổ chức.
Trong khi đó, sáng 3-10, UBND tỉnh Bình Dương đã công bố rộng rãi quy định để người dân di chuyển về quê an toàn. Những đối tượng được ưu tiên về quê là người có bệnh hiểm nghèo, ốm đau dài ngày; phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ; người cao tuổi, người khuyết tật; người đi thăm thân bị kẹt lại; lao động tự do bị mất việc và các trường hợp đặc biệt khó khăn khác. Những người này cần đăng ký với chính quyền quê quán và được đồng ý tiếp nhận.
Tỉnh yêu cầu người lao động cần đăng ký qua các tổ chức công đoàn hoặc chính quyền địa phương để được tổ chức đưa về bằng ô tô. Trước khi lên xe, người lao động cần có xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 3 ngày; xét nghiệm nhanh âm tính trước lúc lên xe. Những người này cũng phải cam kết thực hiện cách ly phòng dịch theo quy định khi trở về nhà. Nếu đồng thuận ở lại Bình Dương, người lao động sẽ được hỗ trợ tiền thuê nhà 300.000 đồng/tháng; hỗ trợ tiền ăn 500.000 đồng/tháng, được tiêm vắc xin phòng Covid-19 và hỗ trợ tìm việc làm.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh nhấn mạnh: “Bình Dương chỉ còn 3 địa phương trong cao điểm phòng, chống dịch bệnh; 6 địa phương khác đang dần mở cửa; vắc xin được phân bổ nhiều hơn; nhiều nhà máy đang tuyển công nhân để hoạt động trở lại. Tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ để người lao động ở lại an toàn, có công ăn việc làm, sớm ổn định cuộc sống, cùng địa phương phát triển”.
Trước thực trạng hàng chục nghìn người lao động tự phát đi xe máy từ các vùng dịch về quê, vượt quá khả năng tiếp nhận của địa phương, dẫn tới nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát trở lại, chiều ngày 3-10, lãnh đạo 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã thống nhất đề xuất Chính phủ cho tạm ngưng tiếp nhận lao động tự phát về quê trong vòng 15 ngày. Trong thời gian này, các địa phương sẽ tổ chức nơi tiếp nhận, cách ly, chuẩn bị các giải pháp chăm lo an sinh, y tế… để đón người dân trở về quê hương một cách chu đáo, an toàn.