Qatar lần đầu tiên tổ chức tổng tuyển cử: Hướng tới một nền quản trị dân chủ

Thế giới - Ngày đăng : 07:13, 04/10/2021

(HNM) - Ngày 2-10, lần đầu tiên trong lịch sử Qatar, người dân tại quốc gia giàu có bậc nhất vùng Trung Đông đã tham gia bỏ phiếu bầu các thành viên Hội đồng Shura (quốc hội). Sự kiện này thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận và truyền thông quốc tế, bởi cuộc tổng tuyển cử này là tiền đề để Qatar hướng tới một nền quản trị dân chủ, mà ở đó tiếng nói người dân ngày càng được coi trọng.

Nữ cử tri Qatar bỏ phiếu trong ngày 2-10 tại thủ đô Doha để bầu ra các thành viên Hội đồng Shura.

Việc tổ chức bầu cử Hội đồng Shura của Qatar được phê chuẩn sau cuộc trưng cầu ý dân về hiến pháp vào năm 2003, nhưng tới năm 2021 mới diễn ra. Các chiến dịch tranh cử đã được tiến hành sôi động trên nhiều kênh, từ mạng truyền thông xã hội, cho tới những cuộc hội thảo cộng đồng và áp phích trên đường phố. Ngày 2-10, các điểm bỏ phiếu mở cửa từ 5h đến 15h, cử tri Qatar đã đi bỏ phiếu chọn lựa trong số 233 ứng cử viên ở 30 quận, huyện để bầu ra 30 trên tổng số 45 nghị sĩ quốc hội - những vị trí trước đây chủ yếu được xác định qua hình thức bổ nhiệm. Theo hiến pháp năm 2004 của Qatar, 15 ghế còn lại vẫn do Quốc vương Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani bổ nhiệm.

Theo giới quan sát, cuộc bầu cử lần này của Qatar không dẫn đến những thay đổi đáng kể về quyền lực, nhưng rất có ý nghĩa trong việc cải cách thể chế và mang tính biểu tượng cho nền dân chủ nước này. Điều này giống như Kuwait trước đây, vốn trao quyền lớn hơn cho quốc hội nhưng thực chất việc hoạch định các chính sách vẫn thuộc về Quốc vương và hoàng tộc. Tương tự như Kuwait, Hội đồng Shura ở Qatar chủ yếu có chức năng phê duyệt chính sách nhà nước nói chung và ngân sách, chưa có tiếng nói trong việc xây dựng hệ thống quốc phòng, an ninh hay các chính sách kinh tế - đầu tư. Tuy nhiên, động thái chính trị mới ở Qatar vẫn được xem là một bước tiến đến gần nền quản trị dân chủ.

Theo Văn phòng Truyền thông Chính phủ Qatar, cuộc bầu cử phù hợp với “Tầm nhìn quốc gia năm 2030” của đất nước, đồng thời tăng cường vai trò nhánh lập pháp của Chính phủ, thúc đẩy sự tham gia của người dân vào tiến trình chính trị ở Qatar. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani khẳng định đây là “một thử nghiệm mới” quan trọng. Ông cũng thừa nhận Hội đồng Shura chưa thể đóng vai trò đầy đủ của một cơ quan lập pháp và bộ máy mới thành lập vẫn còn cần thêm nhiều thời gian.

Ở góc độ là phép thử, rõ ràng cuộc bầu cử đã giúp Qatar thu được nhiều kinh nghiệm, nhất là những vấn đề tồn tại trong hệ thống bầu cử. Cụ thể là luật bầu cử của Qatar vẫn phân biệt công dân nhập tịch và bản địa. Điều này khiến cho những người đại diện tham gia vào Hội đồng Shura và cử tri đi bầu chưa đa dạng. Chẳng hạn, công dân Qatar trên 18 tuổi có “quốc tịch gốc là Qatar” hoặc nhập tịch nhưng có thể chứng minh ông nội sinh ra ở Qatar, mới đủ điều kiện tham gia bỏ phiếu. Trong khi đó, Qatar hiện có 2,8 triệu người, nhưng chỉ có khoảng 10% trong số này mang quốc tịch Qatar. Con số đó đồng nghĩa tỷ lệ người dân có đủ điều kiện đi bầu cử trên tổng dân số là rất ít. Theo thống kê của Bộ Nội vụ Qatar, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thực tế chỉ đạt khoảng 63,5%. Mặc dù vậy, các khảo sát đều cho thấy tỷ lệ ủng hộ của người dân Qatar về cuộc bầu cử là khá cao.

Nhìn chung, cuộc tổng tuyển cử lần đầu tiên không tạo ra thay đổi lớn ở Qatar, nhưng đây là bước đi đáng chú ý trong việc xây dựng nền quản trị dân chủ và coi trọng vai trò đại diện của người dân. Động thái mới cũng cho thấy hoàng tộc al-Thani cầm quyền không chỉ xúc tiến việc chia sẻ quyền lực tượng trưng, mà đã hướng tới những liên kết mang tính hiệu quả, thực chất với các nhóm bộ lạc Qatar khác. Đây là tiền đề quan trọng để Qatar hướng tới xây dựng một môi trường chính trị bền vững cho quốc gia tuy nhỏ bé nhưng giàu có này.

Hoàng Linh