Các làng nghề Hà Nội: Tích cực khôi phục sản xuất
Kinh tế - Ngày đăng : 06:09, 04/10/2021
Phục hồi sản xuất, bảo đảm thực hiện "mục tiêu kép"
Sau thời gian dài tạm thời đóng cửa, cơ sở sản xuất đồ gỗ Hoàng Hà (xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín) vừa bắt đầu hoạt động trở lại. Theo ông Vũ Hoàng Hà - chủ cơ sở, xưởng gỗ của gia đình ông dừng hoạt động từ cuối tháng 7. Hiện cơ sở đã huy động được 80% nhân công trở lại làm việc để đáp ứng các đơn hàng còn nợ và tập trung chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán sắp tới.
Chủ tịch UBND xã Vạn Điểm Nguyễn Văn Hà cho biết: Xã có hơn 350 công ty, doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ tại điểm công nghiệp làng nghề và hơn 1.000 hộ gia đình làm đồ gỗ. Đến nay, hầu hết các công ty, doanh nghiệp, cơ sở đã hoạt động trở lại và đều ký cam kết sản xuất phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
Làng nghề cơ kim khí xã Thanh Thùy (huyện Thanh Oai) cũng đang đẩy mạnh sản xuất. Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Trường Ngọ Lê Văn Giang chia sẻ, những ngày thực hiện giãn cách xã hội, dù thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, công ty vẫn triển khai phương án “3 tại chỗ” (ăn tại chỗ, làm tại chỗ và nghỉ tại chỗ) để duy trì được nhịp độ sản xuất. Sau khi Hà Nội nới lỏng giãn cách, việc tiêu thụ sản phẩm đã thuận lợi hơn, đơn hàng cũng tăng dần.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Thùy Vũ Bá Tình, trong đợt thực hiện giãn cách xã hội vừa qua, đa số doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức sản xuất theo phương thức "3 tại chỗ" nên cơ bản hoạt động không bị đình trệ. Thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh khôi phục sản xuất, đồng thời kiên trì thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Những năm gần đây, các làng nghề trên địa bàn Hà Nội đều có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh tế làng nghề, doanh thu giảm 20-50% so với thời điểm chưa có dịch bệnh. Mục tiêu hiện nay là tập trung khôi phục sản xuất, phấn đấu tăng doanh thu ở những tháng cuối năm, bảo đảm thực hiện "mục tiêu kép", vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội...
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn
Để thúc đẩy phát triển kinh tế làng nghề, những năm qua, thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ làng nghề xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xúc tiến thương mại… Nhờ đó, sản phẩm làng nghề đa dạng hơn, có thế mạnh cạnh tranh tại thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, tác động từ dịch bệnh cũng khiến lĩnh vực kinh tế này bộc lộ những khó khăn, bất cập.
Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần cho rằng, mặc dù các làng nghề đã hoạt động trở lại nhưng hầu hết đang trong giai đoạn nỗ lực xoay chuyển, tìm hướng thích nghi trước những tác động của dịch bệnh. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, thị trường bị thu hẹp nên việc lưu thông, tiêu thụ hàng hóa không tránh khỏi khó khăn.
Chủ tịch UBND xã Liên Hà (huyện Đông Anh) Đỗ Thị Hảo cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm vẫn là vấn đề nan giải của các làng nghề. Còn Giám đốc doanh nghiệp Nhà gỗ Phúc Lộc (xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất) Nguyễn Huy Khiêm đề xuất, ngân hàng tiếp tục xem xét nới lỏng các điều kiện khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất nợ cũ và xem xét cho vay với lãi suất ưu đãi, giúp doanh nghiệp đủ vốn phục hồi sản xuất.
Để phát triển làng nghề trong tình hình mới, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết: Huyện đang triển khai gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ để giúp đỡ doanh nghiệp và người lao động. Mặt khác, huyện sẽ ưu tiên nguồn lực đầu tư, phát triển các làng nghề chủ lực có tính cạnh tranh; phấn đấu mỗi xã có ít nhất một sản phẩm đạt chuẩn Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)…
Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản, huyện đang kiến nghị thành phố hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ xây dựng 5 cụm công nghiệp mới được phê duyệt trên địa bàn; quy hoạch khu vực giới thiệu sản phẩm làng nghề gắn với du lịch; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá sản phẩm...
Để giúp các làng nghề phục hồi sản xuất, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ thông tin, Sở sẽ phối hợp với các ngành, địa phương, nắm bắt nhu cầu thị trường, kết nối tiêu thụ, tập trung vào nhóm sản phẩm làng nghề đạt chứng nhận OCOP; triển khai trang thương mại điện tử giới thiệu sản phẩm làng nghề... Ngoài ra, Sở sẽ phối hợp tìm kiếm các giải pháp huy động nguồn vốn cho các làng nghề khôi phục sản xuất, triển khai hiệu quả các chương trình: Hỗ trợ tư vấn thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ; đào tạo nghề, tập huấn kỹ năng quản trị doanh nghiệp và chính sách liên quan đến làng nghề…
Thành phố Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề, làng có nghề, trong đó có 313 làng nghề truyền thống đã được công nhận, 207 làng có nghề đang phát triển. Có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu 10-20 tỷ đồng/năm; gần 70 làng nghề đạt 20-50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm.