Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi
Nông nghiệp - Ngày đăng : 07:33, 04/10/2021
- Hiện chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực như thế nào, thưa ông?
- Thực tế cho thấy, các trang trại, hợp tác xã chăn nuôi thời gian qua đã tích cực đưa công nghệ vào sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, toàn thành phố có 557 trang trại sử dụng công nghệ chuồng kín; 26 trang trại sử dụng công nghệ dây chuyền cho ăn uống tự động; 200 trang trại sử dụng công nghệ bán tự động; 35 trang trại sử dụng công nghệ nuôi trên sàn nhựa…
Đặc biệt, điểm nổi bật nhất trong ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi của Hà Nội thời gian qua là sản xuất con giống. Nhờ đó, đã có 100% số lợn giống tại các trang trại là lai ngoại (Landrace, Yorshire, Duroc... được thụ tinh nhân tạo giống cao sản Duroc, Pietrain...); 100% trang trại gia cầm nuôi giống lai có năng suất cao, như: Isa, Sasso, Brown, Ai Cập, Ross 308, Hubbard lai gà Mía… Các trang trại bò sữa, bò thịt sử dụng 100% giống được lai tạo với các giống lai cao sản, như: Lai Sind, Brahman, Droughtmaster, BBB, Angus... Đây là tiền đề quan trọng để ngành chăn nuôi của Hà Nội có những bước đột phá về năng suất, chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
- Không thể phủ nhận ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi đã mang lại hiệu quả tích cực. Vậy ông có thể cho biết, trong quá trình triển khai còn gặp những khó khăn gì?
- Có thể nói, bên cạnh kết quả tích cực trong ứng dụng công nghệ cao, ngành chăn nuôi trên địa bàn thành phố cũng gặp không ít khó khăn như: Việc nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao còn rất hạn chế. Chăn nuôi công nghệ cao sử dụng công nghệ cao cần lượng vốn lớn hơn nhiều so với sản xuất truyền thống. Thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định, chưa tương xứng với mức độ đầu tư. Cùng với đó, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, quỹ đất dành cho phát triển chăn nuôi ngày càng bị thu hẹp dẫn đến phát triển sản xuất manh mún, thiếu bền vững, ô nhiễm, hạ tầng phục vụ chăn nuôi thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu về chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao. Về nhân lực, đội ngũ cán bộ kỹ thuật có khả năng và tiếp cận công nghệ cao để ứng dụng, chuyển giao còn thiếu...
- Vậy theo ông, để chăn nuôi công nghệ cao ở Hà Nội phát triển theo hướng bền vững, hướng tới mục tiêu xuất khẩu thì cần những giải pháp gì?
- Hiện nay, vấn đề quan trọng nhất là tiến hành công tác quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao và công bố công khai quy hoạch vùng chăn nuôi để kêu gọi cá nhân, doanh nghiệp đầu tư. Ngành Nông nghiệp tham mưu thành phố tiếp tục có chính sách hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao như sử dụng chuồng kín, tự động hóa ở các khâu chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý dịch bệnh, xử lý môi trường chăn nuôi. Đặc biệt, chú trọng bổ sung các giống cao sản, cải tạo giống, phục tráng các nguồn gen bản địa phù hợp nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trên địa bàn Thủ đô và xuất khẩu...
Bên cạnh đó, tập trung xây dựng vùng an toàn dịch, cơ sở an toàn dịch cho các trang trại chăn nuôi công nghệ cao; tăng cường tập huấn chuyên môn kỹ thuật ứng dụng công nghệ cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, người lao động trực tiếp trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ hỗ trợ cơ khí hóa sản xuất thiết bị chuồng nuôi, thiết bị chế biến, giết mổ, dây chuyền chế biến thức ăn, chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm và các dịch vụ khác để thúc đẩy hoạt động công nghệ cao nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, sử dụng sản phẩm công nghệ cao trong chăn nuôi. Qua đó giúp chăn nuôi công nghệ cao ở Hà Nội phát triển theo hướng bền vững...
- Trân trọng cảm ơn ông!