Xu thế tất yếu
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:05, 05/10/2021
Hiện nay, có thể kể đến những tên tuổi đi tiên phong trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và gặt hái thành công ban đầu như Tập đoàn FPT, Tập đoàn Viettel, Tập đoàn Vingroup... Điểm đáng chú ý, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo ở những đơn vị này đã giải quyết được những vấn đề khá “gai góc”, từ đó tối ưu hóa hoạt động, tăng cường sức mạnh cho doanh nghiệp.
Nhìn rộng ra, ứng dụng trí tuệ nhân tạo đang tạo ra những sản phẩm công nghệ mới, thúc đẩy sự phát triển của nhiều lĩnh vực “sát sườn” với đời sống dân sinh, như: Y tế, giáo dục, du lịch, giao thông, thương mại điện tử… Đặc biệt, đã tạo "cơ hội vàng" cho doanh nghiệp phát triển, từ đó góp phần quan trọng tăng trưởng kinh tế - xã hội trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Nhận thấy vai trò quan trọng của trí tuệ nhân tạo trong xu thế phát triển của đất nước, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 26-1-2021 ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, với mục tiêu Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khu vực ASEAN và trên thế giới.
Hiện thực hóa mục tiêu này, trước hết, các cấp, ngành chức năng phải thống nhất quan điểm trí tuệ nhân tạo là lĩnh vực công nghệ quan trọng, là công nghệ “nguồn” dẫn dắt, giúp bộ máy quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp thích ứng nhanh hơn với tình hình mới. Do đó, điều quan trọng là cần xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật để tạo hành lang pháp lý thông thoáng đáp ứng yêu cầu thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào đời sống xã hội, đặc biệt là hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo đó, các cơ chế, chính sách cần hướng tới ưu tiên thu hút đầu tư, đặc biệt là hình thức hợp tác công - tư, thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp, xây dựng các thương hiệu về trí tuệ nhân tạo, từ đó phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo.
Cùng với đó, vấn đề chuyển đổi và đào tạo nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ ứng dụng trí tuệ nhân tạo và tự động hóa cũng cần một giải pháp đồng bộ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và các trường đại học, viện nghiên cứu. Việc này đòi hỏi sự nỗ lực thông qua các chính sách hỗ trợ và đầu tư thích đáng cho đào tạo nhân lực trong hệ thống giáo dục cũng như tại nơi làm việc... Ngoài ra, cần đầu tư cơ sở vật chất cho một số phòng thí nghiệm trọng điểm; xây dựng các trung tâm ươm tạo, trong đó, tập trung thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước xây dựng các trung tâm đào tạo, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Quan tâm xây dựng hạ tầng dữ liệu và hình thành các cơ sở dữ liệu dùng chung, chia sẻ trên nguyên tắc liên thông…
Ở góc độ doanh nghiệp, cần nâng cao năng lực về hạ tầng công nghệ thông tin, nhân lực để nhanh chóng thích ứng, cập nhật xu hướng trí tuệ nhân tạo, giúp nâng cao năng suất lao động. Kinh nghiệm cho thấy, việc bắt đầu triển khai, ứng dụng trí tuệ nhân tạo nên bắt đầu từ những bài toán thực tế nhất với doanh nghiệp, như: Các ứng dụng chăm sóc khách hàng, quản lý quy trình sản xuất, quản trị nhân sự…
Nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào sản xuất, kinh doanh là xu thế tất yếu, góp phần phát triển kinh tế số, xã hội số, giúp Việt Nam chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.