Mất an ninh lương thực tại Brazil: Cần sự sẻ chia của cộng đồng quốc tế

Thế giới - Ngày đăng : 06:31, 06/10/2021

(HNM) - Cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 đang gây ra mối đe dọa cho nhiều người dân Brazil, đó là nạn đói và mất an ninh lương thực trầm trọng. Dù chính phủ Brazil đã có nhiều biện pháp hỗ trợ nhưng với mức lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp cao như hiện nay, quốc gia đông dân nhất Mỹ Latinh rất cần sự chung tay, sẻ chia của cộng đồng quốc tế để sớm bước qua thời kỳ gian khó.

Hàng triệu người dân Brazil đang đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng.

Mới đây, bức ảnh gây xót xa đăng trên tờ Extra cho thấy, một chiếc xe tải với thịt và xương thừa đã trở thành điểm phân phối cho những người dân nghèo tìm kiếm thức ăn ở phía Nam thành phố Rio de Janeiro (Brazil). Bức ảnh đã phản ánh cuộc khủng hoảng nghèo đói đang hoành hành tại đất nước Nam Mỹ này.

Sao Paulo của Brazil là thành phố giàu có nhất Nam Mỹ. Nhưng với những công dân sống ở khu ngoại vi của thành phố, việc ăn 3 bữa đủ dinh dưỡng mỗi ngày đang trở thành một thứ xa xỉ. Tình hình còn trở nên tồi tệ hơn ở các vùng nông thôn. Renato Maluf, Chủ tịch Mạng lưới Nghiên cứu An ninh Dinh dưỡng và Chủ quyền Lương thực Brazil (Penssan) cho biết: “Một người nghèo ở thành phố có thể ra đường và xin thức ăn nhưng một người nghèo ở nông thôn thì không”. Giá lương thực cơ bản đã tăng vọt trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Theo Viện Địa lý và Thống kê Brazil, trong một năm qua, giá gạo tăng gần 70%, trong khi đậu đen, khoai tây, thịt đỏ, sữa và dầu đậu nành tăng tương ứng là 51%, 47%, 30%, 20% và 87%.

Theo một nghiên cứu gần đây đăng tải trên trang Guardian (Anh), đại dịch Covid-19 đã khoét sâu thêm cuộc khủng hoảng lương thực ở Brazil. Hỗ trợ phúc lợi thấp hơn có nghĩa là khoảng 125 triệu người dân của nước này không thể có được 3 bữa ăn mỗi ngày. Đây là mối đe dọa nghiêm trọng so với 35% số người bị mất an ninh lương thực vào năm 2004. Năm 2014, Liên hợp quốc đã chính thức loại bỏ Brazil khỏi Bản đồ Đói của Chương trình Lương thực thế giới (WFP), nhưng chưa đầy 7 năm sau, hơn một nửa dân số với khoảng 212 triệu người ở quốc gia này phải vật lộn với tình trạng mất an ninh lương thực.

Báo cáo năm 2021 của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) chỉ ra rằng, mặc dù Brazil vẫn có các chỉ số tốt hơn so với mức trung bình của Mỹ Latinh, nhưng tình hình của nước này đã xấu đi trong 4 năm qua và nghiêm trọng hơn kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. “Với hơn 19 triệu người đang phải đối mặt với nạn đói, “đèn vàng” cảnh báo đã được bật lên”, Daniel Balaban - Giám đốc Trung tâm chống lại nạn đói và đại diện của WFP tại Brazil nhận định trên tờ The New Humanitarian.

Thực tế, Brazil là nước xuất khẩu lương thực lớn. Tuy nhiên, do nhu cầu gia tăng từ các doanh nghiệp nước ngoài nên nông dân Brazil đã chọn bán sản phẩm nông nghiệp ra nước ngoài để kiếm tiền và bỏ mặc thị trường trong nước. Cùng với đó, đất nước này hiện đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán tồi tệ nhất trong 90 năm qua, khiến sản lượng nông nghiệp sụt giảm nghiêm trọng...

Nhà kinh tế học Monica de Bolle cho biết, việc chính phủ Brazil tung ra các khoản cứu trợ khẩn cấp vào năm ngoái phần nào đạt hiệu quả. Kể từ tháng 4-2020, tổng cộng hơn 365 tỷ real đã được đầu tư cho các chính sách trợ giúp xã hội. Trong năm nay, chính phủ đã khởi động “Sáng kiến Huynh đệ Brazil” - chương trình phân phối giỏ thực phẩm cho những người nghèo đói nhất và gần hai triệu giỏ lương thực đã được phân phối đến hơn 850.000 gia đình. Các chuyên gia cho rằng, những biện pháp mới này chưa thể đáp ứng được nhu cầu cấp thiết hiện nay. Do vậy, chính phủ Brazil cần có những hành động quyết liệt hơn, cùng với đó là sự chung tay sẻ chia của cộng đồng quốc tế giúp đất nước Nam Mỹ này vượt qua thời kỳ gian khó.

Thùy Dương