Huyện Gia Lâm: Hơn 3.600 trường hợp khó khăn trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Chính trị - Ngày đăng : 12:09, 06/10/2021

(HNMO) - Sáng 6-10, Đoàn giám sát số 4 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội do đồng chí Hoàng Trọng Quyết, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội làm Trưởng đoàn đã giám sát kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU ngày 15-9-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo", Chỉ thị 09-CT/TU ngày 1-9-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về "Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trên địa bàn thành phố Hà Nội" tại huyện Gia Lâm.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông tham gia Đoàn giám sát.

Đồng chí Hoàng Trọng Quyết, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn giám sát số 4 phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Gia Lâm.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học báo cáo, về công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án, với quy trình thực hiện công khai, dân chủ, bảo đảm công bằng, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, giai đoạn 2016-2021, huyện đã hoàn thành khối lượng công việc lớn, giải phóng mặt bằng 115 dự án với diện tích 817,5ha, liên quan đến 15.447 hộ dân, số tiền chi trả 5.342,54 tỷ đồng, bảo đảm tiến độ, góp phần quan trọng trong quá trình đô thị hóa, phát triển kinh tế - xã hội huyện. Công tác giao đất dịch vụ cho người bị thu hồi đất trên địa bàn được UBND huyện tập trung chỉ đạo quyết liệt, đến nay đã giao đất cho 205/221 hộ, đang giải quyết cho 16 hộ.

Về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, huyện Gia Lâm có 60.971 trường hợp sử dụng đất, đã cấp được 50.935/51.241 trường hợp đủ điều kiện, đạt tỷ lệ 99,4%, còn 10.036 trường hợp chưa được cấp, do đang đề nghị được xét cấp, chưa thực hiện kê khai, hoặc chưa đủ điều kiện; công tác cấp giấy chứng nhận đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa đạt 98,2% (9.000/9.166 trường hợp), còn 166 trường hợp không đủ điều kiện cấp đổi, do người được giao đất đã qua đời, những người thừa kế hợp pháp chưa thống nhất kê khai để được cấp giấy...

Huyện Gia Lâm cũng kiến nghị với thành phố quan tâm, xem xét, giúp giải quyết một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, điển hình là 133 khu đất với tổng số 3.650 trường hợp, có nguồn gốc sử dụng đất do cơ quan, xí nghiệp, đơn vị quân đội, chủ quản thanh lý; do thôn, xã bán trái thẩm quyền; tiến độ thẩm định, phê duyệt các chính sách về giá đất, vị trí tái định cư chậm...

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông, Phó Trưởng đoàn giám sát số 4 cũng đề nghị huyện Gia Lâm cần cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai để có số liệu chuẩn, nhanh, góp phần đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và việc thực hiện công tác về quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn.

Kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Hoàng Trọng Quyết ghi nhận những kết quả huyện Gia Lâm đã đạt được và đề nghị huyện tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 15-9-2016 và Chỉ thị 09-CT/TU ngày 1-9-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội; tiếp tục rà soát những điểm đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án, nghiên cứu những phương án khả thi, xác định trọng tâm, trọng điểm, lộ trình để việc triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao...

Liên quan công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, huyện Gia Lâm cần quan tâm chặt chẽ công tác quản lý sử dụng đất đai, hồ sơ; tổ chức tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ ở cấp xã; tiếp tục quan tâm hướng dẫn người dân hoàn thiện hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đối với những trường hợp cần thống nhất với các sở, ngành, thành phố, huyện chủ động phối hợp để giải quyết nhanh, dứt điểm.

Huyện Gia Lâm cũng cần tập trung đánh giá sâu hơn những vấn đề còn vướng mắc, vận dụng các chính sách trong quá trình triển khai thực hiện công tác quản lý, sử dụng đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, qua đó có những kiến nghị, đề xuất giải pháp tháo gỡ sát hợp, cụ thể; làm rõ hơn nữa, bổ sung vào báo cáo về những khó khăn, vướng mắc liên quan công tác giải phóng mặt bằng; kết quả giải quyết những trường hợp còn vướng mắc trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc thẩm quyền huyện; cập nhật, bổ sung công tác cấp giấy chứng nhận trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo...

Ánh Dương