Xử lý khủng hoảng kinh doanh du lịch

Du lịch - Ngày đăng : 06:17, 07/10/2021

(HNM) - Hoạt động kinh doanh du lịch luôn thường trực những rủi ro đến từ yếu tố khách quan và chủ quan, khiến các đơn vị kinh doanh lữ hành, vận chuyển, điểm đến phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Mỗi lần gặp rủi ro ngoài ý muốn, các doanh nghiệp du lịch lại thêm bài học để tích lũy kinh nghiệm trong việc xử lý khủng hoảng, nhằm “biến nguy thành cơ”, phục vụ du khách tốt hơn.

Khách du lịch tham quan đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh), tháng 7-2021.

Rủi ro không mong muốn

Trong buổi giảng dành cho sinh viên theo học ngành Du lịch do Trung tâm Đào tạo du lịch thực tế (Prato) tổ chức theo hình thức trực tuyến vào đầu tháng 10 vừa qua, Giám đốc Công ty Du lịch VietSense Nguyễn Văn Tài nhớ lại những rủi ro từng khiến không ít đơn vị du lịch lao đao. Trong đó, những rủi ro do thiên tai, bão lũ luôn thường trực. Điển hình là sự kiện hơn 2.500 du khách bị “mắc kẹt” 7 ngày tại đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) vào tháng 7-2015, hay gần 2.000 khách du lịch tại đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) không thể về bờ vào tháng 6-2018 do mưa bão.

“Công ty chúng tôi có hơn 30 du khách và nhiều đoàn khách của các đơn vị khác bị mắc kẹt tại đảo Cô Tô vì gặp bão. Lúc này, người làm du lịch phải bình tĩnh thì mới có thể trấn an được du khách, đồng thời lập tức thỏa thuận với các đơn vị lưu trú, dịch vụ ăn uống để nhận hỗ trợ”, ông Nguyễn Văn Tài chia sẻ.

Các doanh nghiệp du lịch cũng phải xử lý không ít tình huống khi đưa khách đi du lịch nước ngoài, bởi thực tế đã có những đoàn khách du lịch tại Indonesia, Thái Lan, Ai Cập từng gặp rủi ro lớn, như sóng thần, tai nạn, hoặc nước sở tại có bất ổn về an ninh. Giám đốc Công ty Du lịch Ascend Travel Dương Mai Lan nhớ lại chuyến du lịch Đông Âu cho đoàn khách 40 người vào năm 2018, khi chỉ còn 15 ngày nữa là lên đường, nhưng thủ tục visa bất ngờ gặp trục trặc.

“Chúng tôi như “ngồi trên đống lửa” vì toàn bộ vé máy bay, các dịch vụ lưu trú, ăn uống đã đặt trước, nhưng visa cho khách chưa có... Rất may cuối cùng, chúng tôi đã làm việc được với Đại sứ quán để làm kịp visa cho khách”, bà Dương Mai Lan kể.

Trong khi đó, theo Giám đốc Công ty Du lịch AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt, ngoài những rủi ro về việc chậm visa, mất hộ chiếu, thất lạc đồ, thì việc du khách thường xuyên chậm muộn, không tuân thủ lịch trình đoàn rất hay xảy ra, gây nhiều khó khăn nhất là khi du lịch nước ngoài.

"Biến nguy thành cơ"

Theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), ở thời điểm hiện tại, rủi ro và khủng hoảng lớn nhất mà ngành Du lịch đang đối mặt, đó là dịch Covid-19. Dịch Covid-19 không chỉ làm cho hoạt động du lịch bị tê liệt, mà còn khiến 95% doanh nghiệp du lịch dừng hoạt động, hơn 90% lực lượng lao động nghỉ việc hoặc chuyển sang lĩnh vực khác. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, dịch Covid-19 là “phép thử” lớn để các đơn vị kinh doanh du lịch thể hiện bản lĩnh “vượt bão” trong việc xử lý và giải quyết khủng hoảng.

Để ứng phó với cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra, nhiều đơn vị du lịch đã có hướng đi và kế hoạch hành động riêng. Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho biết, rất nhiều đơn vị đang nỗ lực “biến nguy thành cơ”, xây dựng sản phẩm du lịch an toàn, phù hợp với tình hình mới, từ đó có thể tạo ra xu hướng du lịch khác biệt cho du khách sau đại dịch. Bên cạnh đó, không ít đơn vị đã kịp thời thích ứng, chuyển đổi hình thức kinh doanh, kết hợp giữa hoạt động du lịch với kinh doanh mặt hàng thiết yếu, sản phẩm quà tặng để phục vụ du khách tốt hơn khi hoạt động du lịch trở lại.

Bàn về cách thức xử lý khủng hoảng trong hoạt động du lịch, Giám đốc Công ty Du lịch VietSense Nguyễn Văn Tài cho rằng, trong bất cứ khủng hoảng, rủi ro nào cũng cần đến sự liên kết chặt chẽ, chia sẻ khó khăn giữa các đơn vị lữ hành, lưu trú, vận chuyển, điểm đến. 

Nhìn ở góc độ đào tạo nhân lực du lịch, Phó Chủ nhiệm Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Đỗ Trần Phương bày tỏ, khi xử lý rủi ro thì những người làm du lịch cần đặt sự an nguy của du khách lên hàng đầu, sẵn sàng chấp nhận thiệt hại về tài chính để giữ uy tín với khách.

Còn theo Tiến sĩ Trịnh Lê Anh, Trưởng bộ môn Quản trị sự kiện, Khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), hiện nhiều trường đào tạo ngành Du lịch đã đưa vào chương trình học những kiến thức và kỹ năng mới cho sinh viên, như kỹ năng xử lý khủng hoảng, cách xây dựng và vận hành quỹ rủi ro do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh…

Có thể thấy, xử lý rủi ro, giải quyết khủng hoảng là một phần tất yếu trong hoạt động du lịch. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, tới đây, hiệp hội sẽ thường xuyên làm việc với các địa phương, doanh nghiệp du lịch để bàn về những tiêu chí, giải pháp phục hồi, nhằm tránh rủi ro cho du khách khi hoạt động du lịch trở lại trong tình hình mới.

Hoàng Lân