Câu chuyện âm nhạc: ''Tiến về Hà Nội'' và dự cảm ngày chiến thắng
Văn hóa - Ngày đăng : 10:53, 07/10/2021
Nhìn những bức ảnh chụp ngày giải phóng Thủ đô 10-10-1954, hầu hết người nghe đều có cảm giác Văn Cao viết nên bản hùng ca này từ chính những hình ảnh đoàn quân “trùng trùng như sóng” về tiếp quản Thủ đô qua các cửa ô trong rừng cờ hoa rực rỡ. Điều gì đã giúp nhạc sĩ có thể hình dung "đúng như in" về sự kiện trọng đại này?
Sinh thời, nhạc sĩ Văn Cao từng chia sẻ: Ca khúc này được ông sáng tác từ lời hứa với đồng chí Khuất Duy Tiến và đồng chí Lê Quang Đạo trong một buổi họp chi bộ ở Liên khu 3 vào cuối năm 1948. Khi đó, lãnh đạo Thủ đô đã gửi gắm người nhạc sĩ rằng nếu yêu Hà Nội, hãy sáng tác một ca khúc vừa hùng tráng vừa trữ tình về Hà Nội. Chỉ 2 tuần sau, nhạc sĩ Văn Cao đã viết xong ca khúc “Tiến về Hà Nội”. Như vậy, những dự cảm tuyệt vời của ông bắt nguồn từ tình yêu Hà Nội, nói lên khát vọng lớn nhất của người Hà Nội vào thời điểm ấy: Quét sạch quân thù, giải phóng Thủ đô!
Sau này, họa sĩ Văn Thao - con trai trưởng của cố nhạc sĩ Văn Cao cho biết thêm, thời điểm đó nhạc sĩ còn sáng tác bài hát “Tổng phản công” nhưng do “Tiến về Hà Nội” tạo tiếng vang lớn nên “Tổng phản công” ít được nhắc tới.
“Tiến về Hà Nội” ngay từ khi ra đời đã được in báo, được dàn dựng biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân nên nhanh chóng lan tỏa. Cũng có lúc, trong những thời điểm khó khăn của cách mạng, ca khúc với dự cảm chiến thắng quá sớm của nhạc sĩ bị coi là “lạc quan tếu”.
Đến ngày giải phóng Thủ đô, ca khúc “Tiến về Hà Nội” bỗng vang lên khắp nơi, trở thành “bài ca khải hoàn” của người Hà Nội. Đến nay, đây vẫn là ca khúc “nằm lòng” trong trái tim những người yêu Hà Nội, là một trong những ca khúc xuất sắc của kho tàng âm nhạc nước nhà.