Vì thế hệ tương lai

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:08, 08/10/2021

(HNM) - Những năm qua, công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe học sinh được thành phố Hà Nội đặc biệt chú trọng, coi đây là tiền đề quan trọng để nâng cao tầm vóc, thể trạng trẻ em, từ đó góp phần bảo đảm chất lượng dạy và học trong các nhà trường.

Điểm nổi bật là thành phố đã bảo đảm cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế, thuốc men… để triển khai hoạt động chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của học sinh theo quy định của ngành Y tế và ngành Giáo dục. Thành phố cũng quan tâm đến các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe nhằm xây dựng trường học an toàn, học sinh tích cực, như: Phòng, chống các bệnh thường gặp ở lứa tuổi học sinh; giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích học đường...

Đặc biệt, những năm gần đây, ngành Giáo dục Thủ đô đã tăng cường chỉ đạo, phối hợp kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong trường học, tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh đầy đủ dinh dưỡng. Quan tâm lồng ghép các hoạt động chăm sóc sức khỏe học đường với tiêm chủng mở rộng; phòng, chống suy dinh dưỡng, cải thiện tình trạng dinh dưỡng học sinh. Trong đó, nổi bật phải kể đến chương trình Sữa học đường nâng cao tầm vóc trẻ mẫu giáo, tiểu học được ngành Giáo dục thực hiện hiệu quả, phụ huynh học sinh đánh giá cao và hưởng ứng nhiệt tình.

Hướng đến những mục tiêu cao hơn, bảo đảm sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông, ngành Giáo dục cùng các cấp, ngành và địa phương của Hà Nội đang tập trung các nguồn lực, triển khai hiệu quả chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 vừa được Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, trong những ngày này, bên cạnh nhiệm vụ trước mắt là duy trì tốt việc dạy học trực tuyến, các nhà trường cần rà soát, hoàn thiện cơ sở vật chất về y tế, vệ sinh trường, lớp học... để sẵn sàng đón học sinh trở lại trường khi cấp có thẩm quyền cho phép. Phối hợp với cha mẹ học sinh tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và quan tâm đến các con ở mọi khía cạnh, bao gồm nâng cao chất lượng bữa ăn, đời sống tinh thần để học sinh có sức khỏe tốt nhất trong những ngày ở nhà học trực tuyến.

Ở chiều ngược lại, các phụ huynh học sinh, ngoài quan tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần, thể chất của con ngay tại gia đình, cần tăng cường trao đổi với nhà trường, giáo viên để có điều chỉnh kịp thời trong giáo dục, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe trẻ em.

Về lâu dài, ngành Giáo dục cùng các cấp, ngành, địa phương cần dành nguồn lực thích đáng tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất trường, lớp học đạt chuẩn. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến đầu tư xây dựng các sân chơi, bãi tập thể dục, thể thao; công trình cấp nước, nhà vệ sinh trường học, bếp ăn bảo đảm các quy định vệ sinh, an toàn thực phẩm và an ninh, an toàn trường, lớp học.

Song song với đó là bổ sung nhân lực cho công tác y tế trường học; nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc sức khỏe học sinh; phát hiện sớm, điều trị kịp thời và dự phòng các bệnh thường gặp ở học sinh. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 khó lường như hiện nay, các nhà trường cần thực hiện giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm dịch bệnh xảy ra trong trường học, cơ sở giáo dục để xử lý kịp thời, triệt để. Kiểm tra, giám sát công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, kiên quyết không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong trường học và các cơ sở giáo dục.

Vì thế hệ tương lai, các cấp, ngành, địa phương và toàn xã hội tiếp tục chung tay, dành nguồn lực để chăm sóc, bảo vệ tốt nhất sức khỏe trẻ em.

Bắc Vũ