Kiên quyết xử lý các trường hợp lợi dụng, trục lợi chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp

Đời sống - Ngày đăng : 21:38, 08/10/2021

(HNMO) - Ngày 8-10, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Văn bản số 3416/UBND-KGVX về chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã tiếp cận với chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Với người lao động, họ được hỗ trợ bằng tiền mặt, thời gian triển khai hỗ trợ từ ngày 1-10-2021 đến ngày 31-12-2021. Tùy thời gian đóng BHTN mà họ sẽ nhận được các mức hỗ trợ khác nhau, cụ thể:

- Dưới 12 tháng được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người.

- Từ đủ 12 đến dưới 60 tháng được hỗ trợ 2,1 triệu đồng/người.

- Từ đủ 60 đến dưới 84 tháng được hỗ trợ 2,4 triệu đồng/người.

- Từ đủ 84 đến dưới 108 tháng được hỗ trợ 2,65 triệu đồng/người.

- Từ đủ 108 đến dưới 132 tháng được hỗ trợ 2,9 triệu đồng/người.

- Từ đủ 132 tháng trở lên được hỗ trợ 3,3 triệu đồng/người.

Với người sử dụng lao động, đối tượng thụ hưởng là người sử dụng lao động quy định tại Điều 43 của Luật Việc làm đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp trước ngày 1-10-2021 (không bao gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên). Điều này đồng nghĩa, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động,... được giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Thời gian giảm đóng 12 tháng, từ 1-10-2021 đến 30-9-2022.

Chính sách này không áp dụng đối với đối tượng tự nguyện không nhận hỗ trợ.

UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các cơ quan, đơn vị chức năng triển khai chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động từ Quỹ BHTN bảo đảm nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ và công bằng. Việc triển khai cần đơn giản về thủ tục, kịp thời, đúng đối tượng, an toàn, hạn chế tụ tập đông người để phòng, chống dịch Covid-19. Do đó, người lao động nên nhận tiền qua tài khoản cá nhân (ATM). Trong quá trình thực hiện, các bên cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý các trường hợp lợi dụng, trục lợi chính sách.

Về chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ BHTN, theo tính toán bước đầu của Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, toàn thành phố có hơn 83.000 đơn vị, doanh nghiệp với hơn 1,4 triệu người lao động đủ điều kiện hưởng hỗ trợ. Dự kiến, mức hỗ trợ giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp cho các đơn vị, doanh nghiệp là 1.182 tỷ đồng; chi hỗ trợ bằng tiền mặt cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 4.228 tỷ đồng.

Hà Hiền