Bác sĩ tại nhà: Hạn chế để trẻ sử dụng đồ ăn chế biến sẵn

Sức khỏe - Ngày đăng : 05:34, 10/10/2021

(HNMCT) - Hỏi: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện 2 cháu nhà tôi phải học ở nhà và tự trông nhau khi bố mẹ đi làm. Dù đã được mẹ chuẩn bị sẵn thức ăn nhưng các cháu thường đặt mua đồ ăn nhanh, các món ăn vặt… Tôi lo ngại không biết nếu sử dụng những món ăn này thường xuyên thì sẽ ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe? - Nguyễn Thị Thanh

(Quán Thánh, Hà Nội)

Đáp: Một bộ phận giới trẻ hiện nay rất thích các món ăn nhanh, đồ ăn vặt. Tuy nhiên, đồ ăn nhanh thường không đáp ứng đủ nhu cầu về dinh dưỡng. Đa số thức ăn nhanh có quá nhiều chất đạm, nhiều đường, nhiều dầu mỡ, ít tinh bột, ít chất xơ, vitamin và khoáng chất. Một bữa ăn không cân đối về khẩu phần nếu kéo dài và thường xuyên sẽ ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe, có thể dẫn tới các bệnh rối loạn chuyển hóa như thừa cân béo phì, huyết áp cao, tiểu đường...

Hiện nay, mô hình bệnh tật của người Việt Nam đang chuyển tiếp từ các bệnh lây nhiễm sang các bệnh không lây nhiễm với tỷ lệ tử vong cao ở các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, loãng xương, gout... Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị thừa cân béo phì đang tăng nhanh.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh mạn tính không lây, trong đó, chế độ dinh dưỡng không hợp lý và lối sống là quan trọng hơn cả. Bố mẹ cần lưu ý nguyên tắc xây dựng chế độ ăn phù hợp với nhu cầu, lứa tuổi như sau: Cần xác định nhu cầu về năng lượng cho cơ thể với những đặc điểm riêng (cân nặng, chiều cao, độ tuổi); phân bố năng lượng giữa các bữa ăn hợp lý theo nhu cầu, đảm bảo cho trẻ 3 - 4 bữa ăn/ngày; lựa chọn và chế biến thực phẩm phù hợp với lứa tuổi, đảm bảo chế độ ăn cân đối, đủ năng lượng, các vitamin và khoáng chất.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến
Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng