Thầy thuốc tận tâm với y tế Thủ đô
Đời sống - Ngày đăng : 15:53, 10/10/2021
Xuống cơ sở, "cầm tay chỉ việc"
Chính thức nghỉ hưu từ ngày 1-7-2021 nhưng bất kể khi nào thành phố xuất hiện chùm ca bệnh mới, những ổ dịch phức tạp, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của thành phố hay các quận, huyện cần có những tư vấn, hướng dẫn các biện pháp chống dịch là PGS.TS Hoàng Đức Hạnh lại có mặt. Không chỉ vậy, ông còn tham gia giảng dạy, hướng dẫn sinh viên ngành Y các đề tài nghiên cứu khoa học...
Chia sẻ với chúng tôi, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh cho biết, ông sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội. Những năm tháng tuổi thơ dù còn nhiều khó khăn nhưng ông vẫn may mắn khi được gia đình cho ăn học đầy đủ. Ngay từ những năm học trung học phổ thông, ông đã nuôi dưỡng ước mơ được trở thành bác sĩ để có thể cứu giúp nhiều người bệnh. Và ước nguyện ấy đã thành hiện thực, khi năm 1978 ông thi đỗ Trường Đại học Y Hà Nội.
Năm 1984, sau khi tốt nghiệp, ông trở về góp sức cho quê hương, làm việc tại Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì. Với chuyên ngành được học là nhi khoa, khi đó, ông trở thành bác sĩ khoa Nhi của bệnh viện nơi quê nhà.
Những năm tháng làm việc tại bệnh viện giúp PGS.TS Hoàng Đức Hạnh nhận thấy, để giảm tỷ lệ mắc, giảm gánh nặng cho điều trị, giảm bệnh nhân nhập viện và tử vong thì vấn đề cốt lõi là làm sao hoạt động y tế dự phòng đạt được hiệu quả. Xuất phát từ những trăn trở đó, nhất là khi đảm nhận cương vị Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hà Tây (cũ) từ năm 2002, ông luôn là người tham mưu, xông pha vào các vùng tâm điểm để dập dịch. Năm 2007, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hà Tây (cũ). Năm 2008, khi Hà Tây hợp nhất với Hà Nội, ông giữ chức Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho đến khi nghỉ hưu.
Với 35 năm cống hiến cho ngành Y tế, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh đã có thâm niên gần 20 năm làm việc trong lĩnh vực y tế dự phòng, trải qua nhiều vụ dịch nguy hiểm, như: Dịch tả, sởi, sốt xuất huyết và các bệnh dịch mới nổi: SARS, cúm A/H5N1, cúm A/H1N1, Ebola... và gần đây là dịch Covid-19.
Chia sẻ kinh nghiệm chống dịch, Thầy thuốc nhân dân Hoàng Đức Hạnh cho biết, công việc của cán bộ dự phòng rất khác với công tác khám, chữa bệnh của các bác sĩ. Đó là khi có bệnh, người dân phải tìm đến bác sĩ để được chẩn đoán, điều trị. Nhưng với người làm công tác dự phòng, khi có dịch, họ phải đến tận nhà dân, kiểm tra ổ dịch để đánh giá tình hình và đưa ra các biện pháp ứng phó kịp thời.
Như khi Hà Nội xảy ra dịch sốt xuất huyết, Thầy thuốc nhân dân Hoàng Đức Hạnh đã cùng với các đồng nghiệp len lỏi vào từng ngóc ngách, thậm chí leo lên trần nhà, chui cả vào bể nước ngầm để kiểm tra xem có lăng quăng, bọ gậy... Hay khi có dịch tả, ông đã phải vào tận nhà vệ sinh của người dân để kiểm tra họ xem họ khử khuẩn, dập nguồn lây có đúng hướng dẫn y tế không... Khi thành phố phát hiện ổ dịch Covid-19, ông cũng đã trực tiếp đến tận nơi để đánh giá tình hình, kịp thời tham mưu các giải pháp chống dịch phù hợp.
"Có xuống tận cơ sở, "cầm tay chỉ việc" mới hiểu được cơ sở cần gì, dịch bệnh đang diễn biến ra sao để ứng phó...", ông Hạnh nói.
Nhờ sâu sát cơ sở, nắm chắc tình hình, kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh... nên ông đã cùng Ban lãnh đạo ngành Y tế Thủ đô đưa ra các biện pháp chống dịch hiệu quả, kịp thời khống chế, dập tắt nhiều vụ dịch xảy ra trên địa bàn.
Mong được góp sức đẩy lùi dịch bệnh
Nói về đồng nghiệp, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) chia sẻ, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh là người được đào tạo bài bản trong nước và có thời gian tu nghiệp ở nước ngoài cùng với kinh nghiệm từ thực tiễn, trong thời gian công tác, ông cùng Ban Giám đốc Sở Y tế Hà Nội có những đóng góp lớn cho ngành Y tế nói chung và y tế dự phòng của Thủ đô nói riêng. Những năm tháng trên cương vị Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, PGS Hoàng Đức Hạnh cùng với cán bộ của mình hình thành nên một đội ngũ hệ thống y tế dự phòng làm việc bài bản, góp phần vào thành công trong việc kiểm soát, đẩy lùi nhiều dịch bệnh thời gian qua.
Bà Nguyễn Thị Tám, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh chia sẻ, khi trên địa bàn huyện gặp khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh, như: Dịch sởi, sốt xuất huyết..., nhất là dịch Covid-19, PGS Hoàng Đức Hạnh đã đến tận nơi, "cầm tay chỉ việc", hướng dẫn cũng như động viên cán bộ y tế địa phương làm tốt hơn nữa công việc của mình.
Với Thầy thuốc nhân dân Hoàng Đức Hạnh, đợt dịch nào những cán bộ y tế dự phòng cũng vất vả, thế nhưng chưa có dịch bệnh nào làm đảo lộn cuộc sống như Covid-19.
"Có những hôm phong tỏa tạm thời một khu vực, đồng nghĩa với việc phải tập trung lấy mẫu xét nghiệm thật nhanh, cán bộ y tế dự phòng phải làm việc đến 1-2h sáng. Chưa hết, trước khi về, họ còn phải đóng gói, vận chuyển mẫu đến nơi xét nghiệm, lúc đó mới được nghỉ ngơi. Thậm chí, dưới cái nóng 37-38°C, họ vẫn phải khoác lên mình những bộ đồ bảo hộ trong 4-5 giờ đồng hồ để lấy mẫu xét nghiệm. Cũng có người đã nhiều ngày không được gặp mặt gia đình và người thân...", ông Hạnh kể về công việc của những đồng nghiệp.
Ngay bản thân ông, trong suốt cả cuộc đời, nhất là 2 năm qua khi dịch Covid-19 xuất hiện, ngày nào, những người hàng xóm cũng thấy ông đi ra khỏi nhà từ rất sớm và trở về nhà rất khuya... Ngoài ra, PGS.TS - Thầy thuốc nhân dân Hoàng Đức Hạnh còn tích cực tham gia giảng dạy bộ môn Dịch tễ tại các trường đại học trên địa bàn thành phố, hướng dẫn nhiều sinh viên bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp đại học, luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ... Ông thực sự là tấm gương truyền cảm hứng, khát vọng và cống hiến đối với các y, bác sĩ trẻ mới vào nghề.
Khi nhắc tới việc được vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú năm nay, Thầy thuốc nhân dân Hoàng Đức Hạnh khiêm nhường chia sẻ: "Khi được đề xuất nhận danh hiệu đó, tôi khá bất ngờ. Bởi vì tôi đã nghỉ hưu rồi nhưng vẫn được thành phố ưu ái và tin tưởng. Tôi mong góp chút sức lực của mình, góp phần đẩy lùi dịch bệnh".
Với những đóng góp cho ngành Y tế Thủ đô, PGS.TS - Thầy thuốc nhân dân Hoàng Đức Hạnh đã được Đảng, Nhà nước và các cấp tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Danh hiệu Thầy thuốc nhân dân; Thầy thuốc ưu tú; Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2021; hai lần được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2015, 2021); Bộ Y tế tặng Bằng khen năm 2014, 2015, 2016, 2017, 2018; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng khen năm 2019; Chủ tịch UBND thành phố tặng Bằng khen năm 2016, 2017, 2018, 2020;Ba lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp thành phố (năm 2009, 2013, 2017); Công dân Thủ đô ưu tú năm 2021.