Tránh "bệnh hình thức"

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:08, 11/10/2021

(HNM) - Xác định công tác giám sát đảng viên ở nơi cư trú là nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng Đảng, chính quyền, những năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trên địa bàn Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động này.

Đặc biệt, Quy định số 213-QÐ/TƯ ngày 2-1-2020 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức Đảng và nhân dân nơi cư trú” trong việc nhận xét từng đảng viên ở nơi cư trú đã được thực hiện rất tốt. Đại đa số cán bộ, đảng viên đã gương mẫu, tích cực tham gia các hoạt động tại nơi cư trú, có đóng góp quan trọng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác giám sát đảng viên ở nơi cư trú cũng có những vấn đề nổi lên: Nhiều chi bộ còn lúng túng trong triển khai thực hiện nhiệm vụ giám sát; việc xây dựng kế hoạch giám sát, nhận xét chưa bám sát tình hình địa phương. Bản thân Hướng dẫn số 60/HD-MTTQ-BTT ngày 26-4-2018 của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội về “Giám sát và nhận xét của Ban Công tác Mặt trận đối với đảng viên thường xuyên ở nơi cư trú, đang công tác tại các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp” cũng có bất cập.

Từ tình hình thực tiễn, cần sớm khắc phục các hạn chế như: Cấp ủy chưa chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện nhận xét đảng viên ở nơi cư trú khi nhiều nơi, việc nhận xét chỉ là “việc riêng” của chi ủy hoặc đồng chí bí thư chi bộ. Cùng với đó, phải khắc phục cho được phiếu xin ý kiến gửi chi ủy và Ban Công tác Mặt trận nhưng thực tế lại không lấy ý kiến xác nhận của đại diện Ban Công tác Mặt trận, khiến vai trò của thiết chế này trong phiếu đánh giá đảng viên còn mang tính hình thức.

Ngoài hướng dẫn mang tính nguyên tắc cần phải thực hiện đúng, Ban Công tác Mặt trận ở cơ sở cần tham mưu đề xuất với chi ủy trong đổi mới nội dung sinh hoạt chi bộ, đảng bộ để công tác giám sát đảng viên ở nơi cư trú thật thiết thực, thu hút được chất xám của đảng viên sinh hoạt hai chiều, nhất là những góp ý, hiến kế cho địa phương. Trong đó, cần tạo điều kiện để đảng viên sinh hoạt hai chiều tiếp cận kỹ hơn về tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương.

Đặc biệt, cần phối hợp tốt hơn giữa cấp ủy nơi đảng viên đang công tác và cấp ủy nơi cư trú. Trước khi đánh giá, xếp loại cuối năm, cấp ủy nơi đảng viên công tác cần gửi văn bản trực tiếp lấy ý kiến nhận xét của cấp ủy nơi cư trú, không nên để đảng viên tự liên hệ lấy nhận xét. Với những trường hợp quan trọng như kết nạp vào Đảng, đề bạt, bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý hoặc chuẩn bị nhân sự, cấp ủy nên làm việc trực tiếp với tập thể cấp ủy nơi cư trú với sự tham gia của Ban Công tác Mặt trận để có đánh giá khách quan, công tâm.

Ngoài ra, Ban Công tác Mặt trận nơi đảng viên cư trú cũng cần kịp thời báo cáo đến cấp ủy, chính quyền nơi đảng viên đang công tác về những đảng viên chưa chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không tham gia sinh hoạt.

Hoạt động giám sát, nhận xét đảng viên đang công tác ở nơi cư trú với vai trò nổi bật của Ban Công tác Mặt trận cơ sở nếu làm tốt, không bị “bệnh hình thức” sẽ là giải pháp hiệu quả góp phần thiết thực khắc phục hiện tượng quan liêu, xa dân, xa cơ sở. Qua đó, tiếp thêm sức mạnh củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với dân, nhân lên niềm tin với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Đỗ Quỳnh Chi