Tiến tới bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân là hoàn toàn khả thi
Đời sống - Ngày đăng : 14:08, 11/10/2021
90,85% dân số tham gia BHYT
Trình bày báo cáo của Chính phủ về việc quản lý và sử dụng Quỹ BHYT năm 2020, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, năm 2020, tổng thu BHYT là 110.395 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 390 tỷ đồng so với năm 2019, trong đó, tiền đóng BHYT ước thực hiện là 108.485 tỷ đồng, tăng 301 tỷ đồng so với năm 2019.
Tổng chi cho công tác khám, chữa bệnh BHYT năm 2020 là 99.730 tỷ đồng (chưa bao gồm 3.668 tỷ đồng vượt tổng mức thanh toán năm 2020), trong đó, chi khám, chữa bệnh BHYT là 98.525 tỷ đồng và chi chăm sóc sức khỏe ban đầu 1.104 tỷ đồng, cao hơn số được phép chi cho khám, chữa bệnh BHYT theo quy định (90% tổng thu BHYT tương đương với 97.636,5 tỷ đồng) hơn 2.000 tỷ đồng. Dự kiến, chi phí quản lý quỹ năm 2020 là 4.101 tỷ đồng, bằng 3,7% ước thực hiện thu BHYT, giảm so với năm 2019.
Chênh lệch thu và chi Quỹ BHYT là dương 5.071 tỷ đồng do công tác kiểm soát thu, chi BHYT được tăng cường. Số dư quỹ lũy kế dự kiến là 32.991 tỷ đồng, trong đó, Quỹ Dự phòng BHYT là 25.745 tỷ đồng, theo dự toán, chênh lệch thu - chi năm 2021 là dương 3,829 tỷ đồng, tăng 111,6% so với năm 2020.
Về thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13, nhìn chung các chỉ tiêu đã hoàn thành là các chỉ tiêu được xác định tại các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội và Chính phủ cũng như chính quyền địa phương, các chỉ tiêu chưa đạt liên quan đến cơ chế đầu tư, hỗ trợ tài chính.
Trong đó, chỉ tiêu đến năm 2020 đạt ít nhất 80% dân số tham gia BHYT đã hoàn thành từ năm 2016, trước 4 năm so với quy định; cụ thể đến năm 2020, đã có 90,85% dân số tham gia BHYT, vượt 10,85% so với chỉ tiêu đề ra. Đến năm 2020, gần 13 nghìn cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên toàn quốc đã kết nối, liên thông dữ liệu với hệ thống thông tin giám định BHYT, đạt tỷ lệ 97,56%.
Tuy nhiên, trình bày báo cáo thẩm tra về thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, đến năm 2020, mục tiêu hoàn thành đầu tư cải tạo, nâng cấp các trạm y tế xã ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn chưa hoàn thành, còn 22,1% số trạm y tế xã vẫn chưa được đầu tư kiên cố và khoảng 40,1% trạm y tế xã có nhu cầu cần đầu tư cải tạo, xây dựng mới.
Bên cạnh đó, một số cơ sở cung ứng thuốc đã được cấp tài khoản liên thông với hệ thống dữ liệu dược quốc gia nhưng chưa thực hiện kết nối gây khó khăn trong công tác kiểm soát giá thuốc; mô hình bác sĩ gia đình vẫn chưa ổn định để nhân rộng....
Bảo đảm tính an toàn, bền vững cho Quỹ BHYT
Thảo luận về các báo cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, cần làm rõ quan hệ BHYT do ngân sách nhà nước chi trả và BHYT do người dân tự chi trả. Dự báo, BHYT người dân tự chi trả sẽ ngày càng thấp hơn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong khi nếu dịch bệnh được kiểm soát thì năm 2022 người dân sẽ đi khám bệnh nhiều hơn; ngoài ra, các đơn vị sử dụng lao động gặp nhiều khó khăn nên sẽ phát sinh nợ đóng BHYT. “Cần phân tích tính bền vững của Quỹ BHYT năm 2021 và năm 2022 để có giải pháp bảo đảm quản lý và sử dụng hiệu quả”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Nêu vấn đề phải có phương án bảo đảm an toàn cho Quỹ BHYT, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, cần xem xét sử dụng một phần quỹ để chi trả cho chữa bệnh nền và bệnh dịch Covid-19, giảm bớt chi từ ngân sách, bảo đảm sự công bằng, phù hợp với quy định.
Phát biểu ý kiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, với việc đến năm 2020 đã có 90,85% dân số tham gia BHYT, việc tiến tới bao phủ BHYT toàn dân là hoàn toàn khả thi.
Đồng chí Vương Đình Huệ cho rằng, định mức đơn giá đóng BHYT còn khiêm tốn nên chưa thể điều chỉnh mở rộng danh mục chi trả BHYT. Do đó, cần phải tính toán vấn đề này khi các cơ sở khám, chữa bệnh tự chủ một phần hoặc toàn phần kinh phí thường xuyên đang gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý cần tiếp tục quan tâm vấn đề chi thường xuyên cho y tế dự phòng và y tế cơ sở. “Qua dịch bệnh Covid-19 này chúng ta mới thấy y tế dự phòng và y tế cơ sở quan trọng đến mức nào”, đồng chí Vương Đình Huệ nêu rõ.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần tiến hành tổng kết toàn diện việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 làm cơ sở để đưa ra kiến nghị, đề xuất Quốc hội ban hành nghị quyết phù hợp với tình hình mới; đồng thời sớm trình Quốc hội dự án Luật BHYT (sửa đổi) và Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi). Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến, tiếp tục hoàn thiện dự thảo báo cáo trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ hai.