Giữ gìn chuẩn mực đạo đức, góp phần xây dựng văn hóa Đảng

Xây & Chống - Ngày đăng : 06:24, 11/10/2021

(HNM) - 1. Những năm gần đây, trước tác động của quá trình hội nhập quốc tế và những mặt trái của cơ chế thị trường, các hành vi vi phạm thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc có dấu hiệu gia tăng; chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội đứng trước nhiều thách thức.

Chuẩn mực đạo đức được hiểu là hệ thống các quy tắc, yêu cầu của xã hội đối với mỗi cá nhân hay nhóm xã hội, trong đó xác định tính chất, mức độ, phạm vi, giới hạn của cái có thể, cái được phép, cái không được phép hay cái bắt buộc phải thực hiện trong hành vi của mỗi người nhằm củng cố, bảo đảm sự ổn định, giữ gìn trật tự, kỷ cương, an toàn xã hội...      

Chú trọng chăm lo, giữ gìn chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội là rất cần thiết và quan trọng bởi nếu không thì rất có thể sẽ có những chuyện đau lòng xảy ra, thậm chí là vi phạm pháp luật. Thực tế cho thấy, quan niệm sống gấp, sống hưởng thụ, sống vô đạo đức đã khiến hạnh phúc của không ít gia đình, kể cả gia đình cán bộ, đảng viên... bị lung lay, tan vỡ. Minh chứng là, trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, đã có hơn 87.000 đảng viên vi phạm bị xử lý kỷ luật mà trong đó rất nhiều người là do vi phạm thuần phong mỹ tục, chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội. Càng đáng báo động hơn là một số cán bộ, đảng viên đã sống buông thả, vi phạm luật pháp về hôn nhân và gia đình. Chỉ từ đầu năm 2021 đến nay, đã có hàng chục vụ việc quan hệ bất chính liên quan đến cán bộ, đảng viên bị đưa ra ánh sáng. Gần đây nhất là việc ông Phan Ngọc Vinh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) bị kỷ luật Cảnh cáo do quan hệ bất chính với nữ nhân viên dưới quyền...

Sự vi phạm chuẩn mực đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên còn biểu hiện ở nhiều hành vi khác như bạo lực trong gia đình; rơi vào tệ nạn xã hội; thiếu quản lý, giáo dục vợ (chồng) con để họ hư hỏng, thậm chí vi phạm pháp luật. Đặc biệt, rất lo ngại là một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức vụ đã chạy theo lối sống xa hoa mà thực tế thu nhập chính đáng không thể đáp ứng đủ, phải thỏa mãn bằng tham nhũng, tiêu cực, bỏ lợi chung để mưu lợi riêng… Từ đó kéo theo hàng loạt những vi phạm về chuẩn mực đạo đức, với các cấp độ, mức độ khác nhau đã, đang làm xói mòn quan hệ đồng nghiệp, tình cảm đồng chí đồng đội trong cơ quan, đơn vị; thậm chí dẫn không ít cán bộ, đảng viên sa vào con đường “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thoái hóa, biến chất, trở thành nô lệ của đồng tiền và lợi ích cá nhân...

2. Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 7-10-2021 trong nội dung xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh phải tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII với trọng tâm là ngăn chặn, đẩy lùi, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…; trong đó, có những hành vi vi phạm thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội; không để những hành vi này khiến cho cán bộ, đảng viên vướng vào và sa ngã, ảnh hưởng đến tổ chức và uy tín của Đảng.

Muốn vậy, quyết tâm không chỉ là lời nói hay khẩu hiệu chung chung mà phải bằng những việc làm cụ thể. Từng tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ trách nhiệm của mình trước nhân dân, đất nước, trước Đảng để tự giác, gương mẫu thực hiện qua tác phong, cách hành xử hằng ngày. Trong đó, từng đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải nói đi đôi với làm, chỉ đạo quyết liệt, đi đầu nêu gương với quyết tâm thật cao, nỗ lực thật lớn. Đặc biệt, cần thực hiện nghiêm Quy định số 213-QĐ/TƯ ngày 2-1-2020 của Bộ Chính trị khóa XII “Quy định về trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức Đảng và nhân dân nơi cư trú” để phát huy tốt vai trò của nhân dân trong giám sát cán bộ, đảng viên.

Ai cũng đều có một gia đình; gia đình là tế bào của xã hội, có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng con người về đạo đức, lối sống, nhân cách và góp phần xây dựng quốc gia, xã hội. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên cần thấm nhuần sâu sắc vị trí, vai trò của gia đình đối với mình và mình với gia đình; nêu cao ý thức, trách nhiệm giáo dục, bảo vệ gia đình mình; góp phần phát triển con người toàn diện và bồi đắp nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để cùng tạo sức mạnh nội sinh phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc... Thiết thực nhất là mỗi cán bộ, đảng viên chủ động tìm hiểu, học tập, nắm vững những quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, về truyền thống “tôn sư trọng đạo”, “kính trên nhường dưới”…; tự mình tuân thủ luật pháp, giữ gìn đạo đức, rèn luyện lối sống và giáo dục, cổ vũ người thân, đồng chí, đồng nghiệp cùng tuân thủ, giữ gìn, rèn luyện để gia đình là tổ ấm thực sự của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội. Bên cạnh đó, cần dứt khoát xử lý nghiêm những hành vi, lời nói thiếu chuẩn mực, trái đạo đức, không lành mạnh trong sáng xuất hiện ở bất cứ cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương hay cá nhân nào; tích cực tuyên dương, lan tỏa mạnh mẽ lối sống tốt đẹp, ứng xử chuẩn mực, hành động tích cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu để gia đình được lành mạnh, xã hội được văn minh.

Mỗi cán bộ, đảng viên nêu gương sống đẹp, chủ động ngăn ngừa điều xấu, điều ác, điều giả dối thì thuần phong mỹ tục được giữ gìn, truyền thống dân tộc được vun đắp, đạo đức gia đình và xã hội được trong sáng, tạo năng lượng tích cực, góp phần xây dựng văn hóa Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Phúc Lợi