Phải bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân trước bão số 8
Công nghệ - Ngày đăng : 19:00, 12/10/2021
Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, 16h hôm nay (12-10), bão số 8 cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 530km với sức gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 13.
Đến 16h ngày mai, 13-10, bão đi vào đảo Hải Nam (Trung Quốc) với sức gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 13. Do tác động của không khí lạnh nên khi đi vào gần bờ bão có khả năng suy yếu khoảng 2-3 cấp.
Ngoài gió mạnh, sóng lớn trên biển, bão số 8 còn gây ra đợt mưa lớn trên đất liền tại các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Báo cáo về công tác ứng phó bão số 8, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận cho biết, Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Bình Định kiểm đếm, hướng dẫn, bảo đảm an toàn 53.944 phương tiện với 233.335 người. Các tỉnh đã xây dựng phương án, sẵn sàng sơ tán 65.425 hộ dân với 247.997 người khi bão đổ bộ ở cấp 9-10 gắn với công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết, các đơn vị quân đội đã huy động 382.253 cán bộ, chiến sĩ và 2.969 phương tiện các loại sẵn sàng hỗ trợ người dân phòng ngừa, ứng phó và tham gia cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả.
Báo cáo với Phó Thủ tướng, lãnh đạo các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế... cho biết, đã thông báo toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên biển vào nơi trú tránh; huy động lực lượng hỗ trợ người dân chằng chống và bảo vệ lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản trên biển; rà soát, sẵn sàng triển khai phương án bảo đảm an toàn hồ thủy lợi và thủy điện; chủ động tiêu nước đệm để bảo vệ diện tích sản xuất trồng cây vụ đông.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong công tác chỉ đạo, phòng ngừa, ứng phó với bão.
Nhận định đây là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh..., Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn tín mạng, tài sản của người dân; trong đó, nắm chắc tình hình tàu, thuyền hoạt động trên biển, không để người dân ở lại trên biển, rà soát, sơ tán người dân sinh sống ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn gắn với công tác phòng, chống dịch Covid-19.
"Vẫn còn nhiều người dân đang trên đường di chuyển từ phía Nam ra phía Bắc qua các địa phương chịu ảnh hưởng của bão. Để bảo đảm an toàn cho những người này, các tỉnh, thành phố bố trí lực lượng, hỗ trợ người dân nơi tránh trú mưa, bão...", Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu.
Ngày 12-10, nước sông Tích trên địa bàn huyện Quốc Oai dâng cao, đạt đỉnh 6,4m, vượt báo động lũ cấp I khiến nhiều diện tích ao cá của các hộ dân ven sông có nguy cơ bị ngập nặng.
Trước tình hình lũ sông Tích còn diễn biến bất thường do nước trên thượng nguồn đổ về ngày càng lớn, huyện yêu cầu các xã, trưởng các đoạn đê, các ngành và cán bộ được giao nhiệm vụ thi hành nghiêm những quy định ứng phó với lũ lụt của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Quốc Oai.
Đồng thời, UBND huyện Quốc Oai yêu cầu các xã ven sông Tích huy động lực lượng tuần tra, canh gác bảo vệ đê theo cấp báo động để chủ động ứng phó với mọi tình huống úng ngập có thể xảy ra. Cùng với đó, các xã thông báo lệnh báo động cấp I trên hệ thống loa phát thanh để nhân dân kê, chống nhà cửa, tài sản, phòng nước dâng cao...
Trên địa bàn huyện Quốc Oai hiện có 31,7km đê chính, gồm: 12,5km đê hữu Đáy, 10,6km đê tả Tích, 8,6km đê hữu Tích và hệ thống đê quai... được xây dựng từ những năm 1960-1970 nên đã xuống cấp.
Trước tình hình thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, ngay từ đầu năm, huyện đã chủ động xây dựng phương án phòng, chống, ứng phó thiên tai, nhằm giúp chính quyền và nhân dân các xã ven sông Đáy, sông Tích chủ động hơn trong ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.
Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ nhận định, bão số 8 có khả năng ảnh hưởng đến Hà Nội. Cụ thể, từ chiều mai (13-10) đến ngày 15-10, Hà Nội có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông kèm lốc, sét và gió giật mạnh.