Mở đường cho xuất khẩu xanh, bền vững
Kinh tế - Ngày đăng : 06:22, 14/01/2023
- Xin ông cho biết kết quả và những điểm mới của công tác xúc tiến thương mại năm 2022?
- Thực hiện Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại đã tổ chức các hội chợ, triển lãm trong nước với quy mô lớn và tham gia các chương trình hội chợ, triển lãm uy tín, có quy mô lớn tại nước ngoài nhằm đẩy mạnh hỗ trợ xuất khẩu tại chỗ. Có thể kể đến Hội chợ thương mại quốc tế lần thứ 31 (Vietnam Expo 2022), Triển lãm quốc tế công nghiệp thực phẩm (Vietnam Foodexpo 2022), Triển lãm thế giới World Expo Dubai, Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc - CIIE 2022, Triển lãm thực phẩm quốc tế Seoul 2022...
Cục Xúc tiến thương mại cũng đã tổ chức hàng trăm chương trình giao thương trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng, công nghiệp hỗ trợ, dệt may, logistics... với các đối tác chủ lực và tiềm năng, như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Liên minh châu Âu, Nam Á, châu Mỹ...
Đồng thời, Cục đã tổ chức các phiên tư vấn xuất khẩu, cung cấp thông tin về quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất, nhập khẩu với các sản phẩm thế mạnh và tiềm năng của Việt Nam như lúa gạo, chè, thủy sản, đồ gỗ, sản phẩm công nghiệp… Bên cạnh đó, Cục đã tổ chức chuỗi chương trình giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài hằng tháng, bắt đầu từ tháng 7-2022. Chương trình hướng tới nhiều mục tiêu, như: Cập nhật các yêu cầu xúc tiến xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp, địa phương; hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp giải quyết những bất cập, khó khăn về thị trường, tận dụng hiệu quả các cơ hội thị trường.
Điểm mới của hoạt động xúc tiến thương mại năm 2022 là chuyển đổi dần theo hướng xanh và bền vững, đáp ứng và thích nghi với yêu cầu về xu hướng sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, thương mại xanh của các thị trường nhập khẩu…
- Tình hình kinh tế - xã hội trong nước và ngoài nước có nhiều khó khăn tác động đến mọi mặt đời sống. Với lĩnh vực xúc tiến thương mại, những khó khăn, hạn chế cụ thể là gì, thưa ông?
- Hạn chế của hoạt động xúc tiến thương mại năm 2022 là nguồn lực hạn chế, cơ chế hỗ trợ tài chính cho hoạt động xúc tiến thương mại chưa được điều chỉnh kịp thời, mô hình tổ chức cơ quan xúc tiến thương mại ở các địa phương chưa thống nhất. Do dịch bệnh giai đoạn đầu năm, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại dồn vào cuối năm gây áp lực về tiến độ và hiệu quả.
- Dự báo, năm 2023 tình hình thị trường thế giới tiếp tục có nhiều khó khăn, xin ông cho biết Cục Xúc tiến thương mại sẽ có những giải pháp nào để hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu?
- Trong bối cảnh năm 2023 tình hình thế giới được dự báo tiếp tục có những khó khăn, công tác xúc tiến xuất khẩu sẽ tập trung vào các thị trường trọng điểm, đặc biệt khai thác các thị trường, khu vực đang có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, bên cạnh xúc tiến thương mại tại các thị trường mới, tiềm năng. Đồng thời, xây dựng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu xanh, đáp ứng yêu cầu, thích nghi với xu hướng mới của các thị trường nhập khẩu trên toàn cầu vì thương mại xanh, tăng trưởng xanh đã trở thành xu thế tất yếu trên toàn thế giới.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong cung cấp thông tin, tư vấn thị trường xuất khẩu và kết nối thị trường cho các địa phương, hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp…
- Theo ông, thời gian tới, doanh nghiệp cần làm gì để bắt nhịp với những thay đổi và đẩy mạnh xuất khẩu?
- Vấn đề hàng đầu các doanh nghiệp nên làm là chủ động bám sát tình hình, đồng thời liên hệ chặt chẽ với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài và hệ thống cơ quan xúc tiến thương mại Việt Nam để cập nhật thông tin, diễn biến thị trường và sự thay đổi chính sách của các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu trọng điểm. Ngoài ra, cần tăng cường kết nối với các nhà phân phối nước ngoài, thu hút đầu tư nước ngoài để gia tăng sản xuất và xuất khẩu hàng hóa Việt Nam.
Để đẩy mạnh xuất khẩu, bắt nhịp với những thay đổi liên tục của xu hướng tiêu dùng thế giới, doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến đăng ký bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ để làm tốt khâu quản trị và phát triển thương hiệu. Vấn đề doanh nghiệp cần tập trung thường xuyên là đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển sản phẩm để đáp ứng yêu cầu về chất lượng, đổi mới, sáng tạo và có tính tiên phong trên thị trường, nhằm xuất khẩu các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường cũng như các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định của thị trường nhập khẩu.
- Trân trọng cảm ơn ông!