Vì sao giá xăng tăng mạnh?
Kinh tế - Ngày đăng : 18:43, 12/10/2021
Thị trường xăng dầu thế giới thời gian vừa qua chịu ảnh hưởng của cầu tăng do kinh tế các nước trên thế giới đang dần hồi phục, các hoạt động sản xuất, kinh doanh đang khôi phục trở lại khi nhiều nước đã chọn phương án sống chung, thích ứng an toàn với dịch Covid-19; nhu cầu năng lượng (trong đó có xăng dầu) cũng tăng do chuẩn bị nguồn năng lượng cho mùa đông trong khi giá khí đốt tăng mạnh. Bên cạnh đó, OPEC+ quyết định không gia tăng sản lượng khai thác so với kế hoạch...
Các yếu tố trên đã tác động làm giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới tăng mạnh trong giai đoạn vừa qua. Cụ thể, giá dầu thô ngày 10-10-2021 đã lên mức 80,11 USD/thùng đối với WTI và 82,58 USD/thùng đối với dầu Brent, cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây.
Trong khi đó, giá bình quân các sản phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11-10 cũng tăng mạnh. Cụ thể là 88,156 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 5,863 USD/thùng, tương đương tăng 7,13% so với kỳ trước); 90,246 USD/thùng xăng RON95 (tăng 6,025 USD/thùng, tương đương tăng 7,15% so với kỳ trước); 87,756 USD/thùng dầu diesel 0.05S (tăng 8,269 USD/thùng, tương đương tăng 10,40% so với kỳ trước); 88,052 USD/thùng dầu hỏa (tăng 8,240 USD/thùng, tương đương tăng 10,33% so với kỳ trước); 429,615 USD/tấn dầu mazut 180CST 3.5S (tăng 21,654 USD/tấn, tương đương tăng 4,60% so với kỳ trước).
Trong nước, tình hình dịch bệnh đang dần được kiểm soát, số ca nhiễm mới tại thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương… giảm mạnh và giảm liên tục trong những ngày gần đây. Nhiều địa phương bắt đầu áp dụng các biện pháp khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch thích ứng với tình hình mới đã khiến cho nhu cầu sử dụng xăng, dầu tăng mạnh.
Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), giá xăng dầu thế giới tăng mạnh, có thời điểm lên tới 83 USD/thùng đã tác động rất lớn đến giá bán lẻ xăng dầu. Thời gian qua, nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, liên bộ Công Thương - Tài chính đã thực hiện chi sử dụng liên tục Quỹ bình ổn giá ở mức cao. Từ đầu năm 2021 đến nay, Quỹ bình ổn giá đã chi liên tục với mức chi từ 100 - 2.000 đồng/lít/kg.
Tại kỳ điều hành này, cơ quan điều hành là Bộ Công Thương - Bộ Tài chính nhận thấy, nếu không chi Quỹ bình ổn giá đối với xăng E5RON92, dầu diesel và dầu hỏa ở mức 100 - 950 đồng/lít, giá xăng E5RON92 và dầu diesel, dầu hỏa sẽ tăng từ 1.079 đến 1.917 đồng/lít so với giá hiện hành.
Bởi vậy, nhằm hỗ trợ cho đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, liên bộ Công Thương - Tài chính quyết định ngừng trích lập Quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng RON95, dầu diesel, dầu hỏa; tăng chi sử dụng Quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5RON92 để tiếp tục chi Quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng này ở mức cao, chi Quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng dầu diesel và dầu hỏa (kỳ trước không chi) để giá xăng dầu trong nước có mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới.
Thời gian tới, dự báo tình hình xăng, dầu sẽ còn diễn biến phức tạp. Do vậy, nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường nội địa, ngày 11-10-2021, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi các đầu mối kinh doanh xăng dầu, đề nghị chủ động tìm kiếm nguồn hàng, cung cấp đầy đủ cho thị trường nội địa các loại xăng dầu doanh nghiệp đang sản xuất và kinh doanh, không để gián đoạn nguồn cung trong hệ thống kinh doanh của doanh nghiệp.
Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn và Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn cần sớm khắc phục sự cố để ổn định sản xuất, cung cấp đủ lượng hàng theo hợp đồng đã ký kết với các doanh nghiệp; có phương án về nguồn hàng để bảo đảm nguồn cung cho thị trường nội địa trong thời gian sắp tới...