Giá lợn hơi giảm kỷ lục, thấp nhất 35.000 đồng/kg
Nông nghiệp - Ngày đăng : 11:40, 12/10/2021
Cụ thể, tại miền Bắc, giá lợn hơi được các thương lái thu mua trong khoảng 35.000-40.000 đồng/kg, giảm 2.000-6.000 đồng/kg so với hôm qua, trong đó, tỉnh Bắc Giang có giá lợn hơi giảm mạnh nhất (6.000 đồng/kg), xuống còn 35.000 đồng/kg.
Tại thành phố Hà Nội và các tỉnh: Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Hưng Yên, giá lợn hơi giảm 2.000 đồng/kg so với hôm qua, hiện được thu mua trong khoảng 39.000 đồng/kg. Còn tại tỉnh Ninh Bình, giá lợn hơi giảm 4.000 đồng/kg, đang có giá cao nhất miền Bắc (40.000 đồng/kg).
Tại miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi dao động trong khoảng 38.000-45.000 đồng/kg, giảm 1.000-5.000 đồng/kg so với ngày 11-10. Còn ở khu vực miền Nam, giá lợn hơi cũng có chiều hướng giảm 2.000-3.000 đồng/kg so với hôm qua và được thương lái thu mua với giá 41.000-44.000 đồng/kg.
Theo nhận định của các chủ trang trại, giá lợn hơi như hiện nay đã giảm kỷ lục - gần 40% so cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi thời điểm hiện tại vẫn tăng cao khiến cho người chăn nuôi gặp khó khăn. Do đó, các hộ chăn nuôi đề nghị có chính sách bình ổn giá thịt lợn.
Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thịt lợn đang chiếm 70% nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người Việt nhưng việc đưa sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là thịt lợn vào mặt hàng bình ổn là rất khó. Thực tế cho thấy, thị trường chăn nuôi đang phức tạp, không ổn định vì tỷ lệ chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm hơn 50% về số lượng và sản lượng thịt lợn.
Vì vậy, trong chiến lược ngành chăn nuôi đến năm 2030 sẽ cân bằng lượng tiêu thụ thịt lợn còn 60%, thịt gia cầm 30% và thịt gia súc ăn cỏ 10% trong nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người Việt.
"Dự báo từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân, trong đó có mặt hàng thịt lợn, sẽ tăng cao nên các địa phương khuyến cáo người chăn nuôi cần tái đàn theo nhu cầu thị trường, tránh tình trạng cung vượt cầu; đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh để không gây thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi", ông Nguyễn Văn Trọng nói.