Chủ động thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch Covid-19 để phục hồi kinh tế
Kinh tế - Ngày đăng : 18:19, 13/10/2021
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (Hà Nội) và được truyền trực tuyến tới 63 điểm cầu tại văn phòng tỉnh, thành ủy trong cả nước.
Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng đồng chủ trì hội thảo.
Tham dự tại điểm cầu trung ương có các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thành Long, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cùng đại diện các bộ, ban, ngành, chuyên gia, nhà khoa học của Trung ương và Hà Nội; đại diện các tổ chức quốc tế và một số đại sứ quán tại Việt Nam.
Về phía thành phố Hà Nội có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai; Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền tham dự.
Tập trung khắc phục các đứt gãy kinh tế
Phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng cho biết, đây là hội thảo thiết thực và có nhiều ý nghĩa nhằm cụ thể hoá các kết luận quan trọng của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) vừa qua về một số vấn đề kinh tế - xã hội trên tinh thần mới, đổi mới tư duy, phương thức về phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh gắn với phục hồi, duy trì phát triển sản xuất kinh doanh, thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát có hiệu quả đại dịch Covid-19. Hội thảo là dịp để các địa phương chia sẻ những kinh nghiệm, những mô hình vừa bảo đảm phòng, chống dịch hiệu quả, vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để khắc phục các đứt gãy kinh tế, tăng cường phối hợp hành động nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu kép trong trạng thái bình thường mới.
Nêu thực trạng việc thực thi các quy định kiểm soát không nhất quán, thậm chí có phần cứng nhắc của một số địa phương thời gian qua đã tạo ra điểm nghẽn trên các huyết mạch giao thông của đất nước, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, trước mắt các địa phương cần tập trung vào 2 nhóm giải pháp. Đó là ưu tiên cân đối ngân sách địa phương đối ứng với ngân sách trung ương dành cho các gói hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng; đồng thời đơn giản hóa các thủ tục, tăng cường áp dụng công nghệ số để nâng cao tính minh bạch, tránh hỗ trợ trùng lắp, cắt giảm chi phí giao dịch, dễ dàng thực hiện hậu kiểm.
Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ đang xây dựng dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 và báo cáo Thường trực Chính phủ cho ý kiến để hoàn thiện và tiếp tục lấy ý kiến tham vấn. Chương trình dự kiến bao gồm 6 chương trình thành phần và 2 nhóm giải pháp về quản trị rủi ro, thông tin và truyền thông. Trong đó, trọng tâm là “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch Covid-19”, mở cửa nền kinh tế chắc chắn, ổn định và an toàn; sẵn sàng các kịch bản, phương án và nguồn lực để ứng phó với diễn biến dịch bệnh.
Đại diện Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng phát triển châu Á, Tập đoàn Samsung tại Việt Nam, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Tổ chức Y tế thế giới cũng như đại diện lãnh đạo các địa phương (Bắc Ninh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương, Quảng Ninh) đều đánh giá cao những giải pháp hiệu quả của Việt Nam trong việc kiểm soát thành công tình hình dịch Covid-19. Đồng thời, các đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm trong phòng, chống dịch Covid-19 và nêu các kiến nghị, giải pháp để Chính phủ cũng như các bộ, ngành có thể triển khai thực hiện thời gian tới để sớm phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch Covid-19. Trong đó, các ý kiến nhấn mạnh rằng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế là cấp thiết để nước ta nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới.
Chủ động thích ứng linh hoạt
Phát biểu kết luận hội thảo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao các ý kiến, kiến nghị cụ thể của các đại biểu đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam cũng như các giải pháp thích ứng trong tình hình mới. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của đại biểu để sớm hoàn thành dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 và báo cáo Thường trực Chính phủ cho ý kiến để hoàn thiện và tiếp tục lấy ý kiến tham vấn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, việc thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả trong tình hình mới hết sức quan trọng khi đại dịch là vấn đề toàn cầu, không riêng gì quốc gia nào. Vì thế, việc sớm phục hồi kinh tế là cần thiết khi nền kinh tế nước ta đang bị tổn thương do dịch Covid-19.
“Nếu muốn phục hồi kinh tế thì điều kiện quan trọng là phải kiểm soát được dịch bệnh. Trong đó, giải pháp đưa ra là bảo đảm sức khỏe của người dân, đặc biệt cần thực hiện tốt chiến lược “vắc xin + 5K + công nghệ + truyền thông + ý thức tự giác của người dân” cùng các biện pháp có thể được triển khai một cách hiệu quả, linh hoạt”, Thủ tướng chia sẻ.
Trước tình trạng một số địa phương vẫn còn xảy ra các ca nhiễm mới cũng như tử vong, Thủ tướng yêu cầu chủ động thực hiện sự chuyển hướng từ chiến lược “không Covid-19” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Từ kinh nghiệm thực tiễn thời gian qua, Thủ tướng cho rằng để kiểm soát dịch hiệu quả thì nâng cao năng lực y tế từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là hệ thống y tế cơ sở là cần thiết để giảm thiểu tỷ lệ tử vong, giúp người dân được tiếp cận nhanh nhất, sớm nhất với hệ thống y tế khi có dịch bệnh.
Thủ tướng nhấn mạnh việc lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác phòng, chống dịch của các địa phương phải tập trung thống nhất, còn triển khai thực hiện cần linh hoạt. Trong đó, cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ địa phương trong thực thi chính sách; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện các giải pháp đã đề ra. Cùng với đó, tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm kiểm soát lạm phát, duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt, kiểm soát tình trạng nợ công; duy trì và bảo đảm các cân đối lớn như thu - chi ngân sách, xuất - nhập khẩu…
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc các địa phương cần tập trung sớm khôi phục hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, trong đó có thị trường lao động sau một thời gian dài giãn cách. Cùng với đó là giảm chi phí đầu vào, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do với các nền kinh tế lớn để thúc đẩy xuất, nhập khẩu. Trong đó, Chính phủ và địa phương cùng bàn thảo với doanh nghiệp để tìm các biện pháp nhằm hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro.
Bên cạnh đó, Thủ tướng nêu bật tầm quan trọng của bảo đảm an sinh xã hội, trong đó ưu tiên tiêm vắc xin miễn phí cho người dân để tạo miễn dịch cộng đồng; đồng thời, duy trì tình hình trật tự an toàn xã hội.
“Dịch Covid-19 cũng là cơ hội để chúng ta thay đổi, vượt qua khó khăn, tự khẳng định mình. Cơ hội ở đây là cải cách thể chế, chuyển đổi số, thương mại điện tử, cơ hội “xanh hóa” nền kinh tế, góp phần chống biến đổi khí hậu. Đồng thời, nâng cao năng lực ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý nền kinh tế nói chung, công tác phòng, chống dịch nói riêng”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Về nhiệm vụ phòng, chống dịch thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh 3 trụ cột quan trọng để khống chế thành công dịch là cách ly y tế, xét nghiệm và điều trị.
“Đây là 3 trụ cột không thay đổi, trong đó việc xét nghiệm phải nhanh hơn tốc độ lây lan, truy vết, khoanh vùng quyết liệt để không bỏ sót các trường hợp liên quan. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực lớn của mỗi địa phương để vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả”, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.