Bảo đảm lợi ích lâu dài
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:02, 14/10/2021
Qua 6 năm triển khai, Luật Nhà ở năm 2014 tuy đã điều chỉnh hầu hết vấn đề liên quan đến lĩnh vực nhà ở, nhưng trước sự phát triển mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa, luật này đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn. Trong đó có thể thấy, Luật Nhà ở hiện hành chưa bao quát hết một số vấn đề quan trọng như phát triển nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ. Đặc biệt, vai trò quản lý, điều tiết của Nhà nước trong phát triển nhà ở chưa được quy định cụ thể...
Sự bất cập trong một số quy định của Luật Nhà ở hiện hành cũng làm cho thị trường bất động sản bị tác động tiêu cực, nguồn cung nhà ở bị ảnh hưởng, giá nhà bị đẩy lên cao; người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khó có được chốn an cư. Chưa kể, điều này còn làm giảm tính minh bạch trong đầu tư bất động sản, nhà ở, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của môi trường đầu tư. Lấy ví dụ điển hình ngay tại các thành phố lớn, như Hà Nội, do thiếu hành lang pháp lý, nên từ khi Luật Nhà ở có hiệu lực thi hành (1-7-2015) đến nay, không có dự án cải tạo chung cư cũ nào trên địa bàn được triển khai, trong khi đây là một trong những vấn đề rất cấp bách của thành phố.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, việc hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực nhà ở cho được đầy đủ, phù hợp với các lĩnh vực khác là công việc cần thiết sớm phải triển khai. Do vậy, từ tháng 1-2020, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, tổng kết, nghiên cứu đề xuất xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở 2014. Đây là đòi hỏi từ cuộc sống để hóa giải sự bất cập, chồng chéo đang tồn tại giữa Luật Nhà ở với một số luật khác, như Luật Đầu tư 2020, Luật Đất đai 2013… Theo đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở 2014 không chỉ nhằm khắc phục những bất cập, mà còn phải phát huy hơn nữa những thế mạnh mà luật này mang lại.
Hiện, Bộ Xây dựng đã gửi văn bản đến các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp... để xin ý kiến góp ý, rà soát, đánh giá, tổng kết Luật Nhà ở 2014. Thông qua đó, Bộ Xây dựng sẽ có cái nhìn khách quan, tổng thể, phát hiện chính xác những "nút thắt" cần điều chỉnh, bổ sung, những nội dung còn "vênh" với quy định ở các lĩnh vực khác. Quá trình thu thập ý kiến cần được rà soát thật kỹ lưỡng, đánh giá ở nhiều cách tiếp cận khác nhau và có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp.
Trong khi các bộ, ngành chức năng phối hợp để hoàn thiện quy định pháp luật về nhà ở, thì các doanh nghiệp, hiệp hội, các nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản, nhà ở cũng cần nêu những vấn đề nảy sinh từ thực tế, những tình huống pháp luật phải can thiệp... Từ đó kiến nghị, đề xuất giải pháp xác đáng để cùng cơ quan chức năng đưa ra những định hướng mang tính lâu dài, tổng thể...
Dự kiến, Bộ Xây dựng sẽ trình Chính phủ báo cáo Quốc hội cho ý kiến vào dự án sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở trong năm 2022. Các chuyên gia, nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng, với đề xuất này, hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất sẽ giúp công tác quản lý nhà ở được chặt chẽ, hiệu quả cũng như bảo đảm lợi ích lâu dài cho cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.