Nâng tầm kỹ năng cho người lao động
Đời sống - Ngày đăng : 06:15, 14/10/2021
Hiệu quả đã được khẳng định
Ông Nguyễn Văn Hoan (xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ) chia sẻ, từ năm 2017 trở về trước, do không nắm rõ kỹ thuật chăn nuôi, nên việc chăm sóc đàn gia súc, gia cầm của gia đình ông gặp nhiều khó khăn, “lãi ít, lỗ nhiều”. Sau khi tham gia khóa đào tạo nghề chăn nuôi thú y dành cho lao động nông thôn vào cuối năm 2017, ông Hoan đã mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi gia súc, gia cầm và duy trì cho đến nay. Qua trải nghiệm thực tế, ông Hoan cho biết, cùng làm một công việc, nhưng nếu được đào tạo nghề, người lao động có thể tạo ra năng suất, mang lại thu nhập gấp nhiều lần so với lao động chưa học nghề.
Không riêng trường hợp nêu trên, thực tế cho thấy, đại đa số người lao động, dù làm bất cứ ngành, nghề gì, ở vị trí công việc nào, thì những ai đã qua đào tạo, vững kỹ năng nghề thường mang lại hiệu quả công việc cao hơn. Họ cũng là đối tượng dễ dàng nắm bắt những cơ hội việc làm tốt, thậm chí được các nhà tuyển dụng săn đón. Có thể kể đến là trường hợp hai sinh viên Nguyễn Văn Tấn và Đinh Tú Ngọc (Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội), dù chưa tốt nghiệp, nhưng với thành tích giành Huy chương vàng cuộc thi kỹ năng nghề cơ điện tử châu Á - Thái Bình Dương diễn ra vào tháng 4-2021, hai sinh viên đã được một số đơn vị, doanh nghiệp uy tín mời về làm việc.
Vai trò quan trọng của lực lượng lao động có kỹ năng còn được thể hiện qua những con số “biết nói”. Trong những năm gần đây, hơn 80% số người học nghề tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều người bị mất việc làm, thì lao động có kỹ năng vẫn được các đơn vị, doanh nghiệp tìm cách “giữ chân”. Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Tạ Văn Thảo thông tin: “Trong số 50.060 người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm 9 tháng năm 2021, chủ yếu là lao động phổ thông, rất hiếm người vững tay nghề bị mất việc”.
Bồi dưỡng, nâng cao trình độ
Dù vai trò quan trọng của lực lượng lao động có kỹ năng ngày càng được khẳng định, nhưng số người tham gia đào tạo nghề ở nước ta còn ít. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, quy mô lao động của nước ta hiện nay khoảng 51 triệu người, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo mới đạt hơn 26%; số chưa qua đào tạo, chưa được công nhận trình độ kỹ năng là gần 74%. Ngay cả những lao động đã có bằng cấp, chứng chỉ vẫn có người còn thiếu và yếu về kỹ năng làm việc theo nhóm, khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ hạn chế...
Để nâng tầm kỹ năng cho lực lượng lao động, đại diện Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam (ILO) Nguyễn Hồng Hà cho rằng, các bên liên quan cần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ liên kết giữa: Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp và gia đình trong quá trình đào tạo nghề cho người lao động. Đại diện phía sử dụng lao động, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Hoàng Quang Phòng kiến nghị, các cơ quan chức năng quan tâm đào tạo, đào tạo lại nhằm bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho lực lượng lao động tại các doanh nghiệp; có chính sách thu hút doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề; khuyến khích người lao động chủ động học nghề, khởi nghiệp sáng tạo...
Dưới góc độ quản lý ở địa phương, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn mong muốn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sớm triển khai chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tiến hành đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm thu hút 220.500 lượt người học nghề trong năm 2021, qua đó nâng tỷ lệ lao động có bằng, chứng chỉ ở Hà Nội lên 50,5% vào cuối năm nay.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho biết, ngoài những giải pháp đã triển khai, ngành đang phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng đề án “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam”. Dự thảo đề án đề xuất nhiều giải pháp cụ thể để khuyến khích người lao động học nghề, khởi nghiệp, thu hút doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề cho người lao động. Việc mở rộng đào tạo các nghề chất lượng cao theo tiêu chuẩn khu vực, quốc tế cũng được tính đến. Nhằm khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội còn đề xuất thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đối với 10 ngành, nghề trọng điểm thuộc lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật, dịch vụ...