Nhiều giải pháp đối phó với biến đổi khí hậu và phát triển giao thông cho Hà Nội

Đời sống - Ngày đăng : 11:13, 14/10/2021

(HNMO) - Sáng 14-10, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Hà Nội phối hợp với Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng tổ chức Hội thảo “Biến đổi khí hậu và phát triển giao thông - Hiện trạng và định hướng”.

Quang cảnh hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Hà Nội cho biết, Việt Nam là một trong số các nước đứng top đầu chịu tác động của biến đổi khí hậu và đứng trong top 10 nước ô nhiễm không khí ở châu Á. Đáng lưu ý, tổng lượng bụi ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đang liên tục tăng cao khiến chỉ số chất lượng không khí luôn ở mức báo động.

Do vậy, hội thảo được tổ chức để các nhà trí thức khoa học, công nghệ Thủ đô chia sẻ góc nhìn khoa học trong một số vấn đề như: Giao thông và biến đổi khí hậu ở Việt Nam; ô nhiễm không khí do khí thải giao thông và giải pháp giảm thiểu khí thải của các phương tiện giao thông; khí thải giao thông và sức khỏe cộng đồng; kết nối người dân với giao thông công cộng…

Ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam đưa ra 7 kiến nghị với Hà Nội để thực hiện Kế hoạch số 149/KH-UBND triển khai hành động tăng trưởng xanh thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đó là: Tăng cường xây dựng hệ thống giao thông công cộng, tăng cường loại xe nhiên liệu sạch; xây dựng 8 tuyến metro; xây dựng, triển khai các phương án chống ùn tắc giao thông; thí điểm kiểm soát khí thải xe máy; khuyến khích sử dụng xe điện (xe buýt, xe ô tô, xe máy); thí điểm “vùng phát thải thấp”: xe điện, xe đạp, đi bộ; sử dụng xăng E5.

Trong tham luận “Khí thải giao thông và sức khỏe cộng đồng - Hiện trạng và giải pháp”, PGS.TS Nguyễn Văn Sơn (Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường) đề xuất những giải pháp (ngắn hạn và dài hạn) như: Tăng giám sát việc kiểm định ô tô; giới hạn thời gian lưu hành với xe máy; bố trí thời gian làm việc, học tập ở Hà Nội theo các khung giờ khác nhau để tránh ùn tắc; tăng cường họp trực tuyến, làm việc ở nhà; chuyển các trường đại học, cao đẳng, các cơ quan đơn vị hành chính sự nghiệp ra vùng ngoại ô… và quan trọng nhất là nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường của người dân.

Phát biểu kết luận hội thảo, PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng ghi nhận những ý kiến góp ý của các đại biểu, các ý kiến này sẽ góp phần tư vấn cho các cơ quan chức năng trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và cũng là cơ sở để ban tổ chức tổng hợp, góp ý kiến tư vấn cho đoàn Việt Nam tham gia Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP) lần thứ 26 vào tháng 11 tới.

Thu Hằng