Cải thiện môi trường thương mại ở chợ dân sinh
Kinh tế - Ngày đăng : 06:09, 14/10/2021
Môi trường ô nhiễm vì chợ xuống cấp
Theo Sở Công Thương Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 450 chợ đang hoạt động, góp phần tích cực phục vụ các nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố tác động, hiện nhiều chợ dân sinh đã xuống cấp, khó bảo đảm được các yêu cầu về an toàn vệ sinh, phòng, chống cháy nổ, văn minh thương mại.
Khảo sát tại chợ Ngọc Lâm (phường Ngọc Lâm, quận Long Biên), điều dễ nhận thấy là sự xuống cấp của các gian hàng, mỗi lần mưa nền chợ lại đọng nước, khiến chợ rất nhếch nhác. Bất cập nhất là chợ không có hệ thống thoát nước riêng, nên nước thải từ chợ, nhất là khu chế biến, bán hàng tươi sống tràn lên lối đi, chảy sang hệ thống cống thoát nước của tổ dân phố số 27 phường Ngọc Lâm. Chị Lê Thị Hòa ở phố Ngọc Lâm cho biết, người thu gom rác chỉ dọn mỗi ngày một lần vào buổi chiều, trong khi đó người bán, người mua luôn xả rác tùy tiện nên nền chợ rất bẩn, rác chất thành đống ở các góc chợ.
Tương tự, tại chợ Thanh Xuân Bắc (phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân), nền chợ bị xuống cấp, nhiều chỗ đã bong tróc. Các hộ kinh doanh đồ tươi sống xả nước thải ra ngoài, đọng thành vũng, gây mất vệ sinh môi trường. Chị Lê Thị Lương, tiểu thương kinh doanh thịt lợn ở chợ Thanh Xuân Bắc cho biết, do hệ thống tiêu thoát nước thường xuyên tắc nghẽn nên nước thải bị đọng dưới nền chợ. Nguy hiểm nhất là hệ thống kèo sắt đã hoen gỉ, tạo những lỗ hổng lớn. Mỗi khi trời mưa, nước chảy xuống nền chợ lẫn cùng nước thải bốc mùi khó chịu.
Tình trạng chợ xuống cấp, gây mất vệ sinh môi trường cũng xảy ra tại chợ Cổ Điển (xã Hải Bối, huyện Đông Anh)... Chợ được xây dựng từ hơn 10 năm nay đã xuống cấp trầm trọng. Hệ thống phòng cháy, chữa cháy không được quan tâm, nền chợ bong tróc, lại thấp hơn mặt đường nên khi trời mưa nước đọng lâu gây ô nhiễm môi trường...
Cần sớm xây dựng, nâng cấp
Trao đổi với đại diện một số nơi về thực trạng nêu trên, điểm chung được các địa phương nêu ra là chỉ khắc phục được tạm thời trước mắt, còn về lâu dài chợ phải được đầu tư xây dựng, sửa chữa bài bản. Trưởng ban Quản lý chợ Ngọc Lâm Nguyễn Thế Trung cho hay, để giải quyết tình trạng nước thải từ chợ tràn lên lối đi, chảy sang hệ thống cống thoát nước của tổ dân phố số 27 Ngọc Lâm, Ban Quản lý chợ mỗi tháng 1 lần thuê đơn vị thông cống tại khu vực này và thuê một công ty vệ sinh môi trường chuyên thu gom vận chuyển rác thải. Ban Quản lý chợ cũng nhiều lần đề xuất tại các cuộc họp của quận, đề nghị đầu tư cải tạo...
Còn theo Phó Chủ tịch UBND xã Hải Bối (huyện Đông Anh) Trịnh Minh Huân, xã yêu cầu Ban Quản lý chợ Cổ Điển thường xuyên dọn vệ sinh môi trường, nhắc nhở tiểu thương không vứt rác bừa bãi; đồng thời, xã cũng đã đề xuất UBND huyện Đông Anh sớm nâng cấp, tu sửa lại chợ. Về vấn đề này, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Trần Đình Ngọc cho biết, trước mắt, Ban quản lý chợ Cổ Điển cần giữ môi trường chợ sạch sẽ; còn việc cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất chợ đang ở khâu chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2021-2025.
Về việc nâng cấp, cải tạo các chợ trên địa bàn, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, ngày 12-10, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch phát triển và quản lý chợ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025. Theo đó, thành phố tập trung đầu tư xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng các chợ đang hoạt động, phấn đấu 100% số chợ được xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa bảo đảm tiêu chuẩn chợ an toàn thực phẩm theo quy định, đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy, văn minh thương mại, an ninh trật tự. Cụ thể: Đầu tư xây dựng mới 141 chợ (trong đó có 6 chợ đầu mối); đầu tư, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp 169 chợ... Sở Công Thương sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện.
Như vậy, trong giai đoạn 2021-2025, thành phố sẽ cải tạo, nâng cấp nhiều chợ để đáp ứng nhu cầu dân sinh. Tuy nhiên, để tạo sự hài hòa giữa phát triển thương mại với bảo vệ môi trường, trước mắt người dân và các tiểu thương cần nâng cao ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường ngay tại chợ, góp phần xây dựng văn minh thương mại và văn minh đô thị.