Nhớ tiếng vỗ tay...

Góc nhìn - Ngày đăng : 13:44, 15/10/2021

(HNMCT) - Người ta nói bóng đá là một thứ tôn giáo, là chất gây nghiện đối với những ai yêu thích bộ môn thể thao này. Đó là nhận xét không dễ bác bỏ, bởi có nhiều khi chỉ một trận thắng - thua của câu lạc bộ “ruột” hay đội tuyển quốc gia cũng đủ để bao người sống trong niềm vui tận cùng hay chịu nỗi thất vọng cùng cực. Thực tế cho thấy điều đó, như tại Việt Nam trong những ngày qua, sau trận thua của đội tuyển quốc gia trước đội tuyển Trung Quốc với tỷ số 2 - 3 trong loạt trận thứ 3 vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á.

Có lẽ tâm lý “buộc phải thắng” ở trận đấu nói trên của số đông cổ động viên Việt Nam đã khiến tất cả như từ trên cao rơi xuống vực thẳm. Đó không phải nỗi buồn thua trận thông thường và các cổ động viên đã biểu đạt nỗi thất vọng tràn trề bằng nhiều cách. Bạn tôi, thuộc số người “sống cùng đội tuyển bóng đá Việt Nam”, nói rằng anh “không xem tin tức về bóng đá” suốt ngày sau đó. Có lẽ, đó chỉ là một trong rất nhiều người không cam tâm đối diện với sự thật đau đớn là đội tuyển Việt Nam đã thua trong một trận đấu “chỉ được phép thắng”. Mà lại là thua với bàn quyết định được đối thủ ghi ở phút bù giờ, sau khi đã kiên cường gỡ hòa 2 - 2 với hai bàn thắng có được trong vòng 10 phút cuối.

Tôi cũng không muốn xem - nghe - đọc tin tức về đội tuyển trong khoảng thời gian đó, cho đến ngày đội bước vào loạt trận thứ tư - gặp đội tuyển Oman vào tối muộn ngày 12-10. Nhưng, những gì không muốn biết vẫn lọt vào mắt vào tai. Thông tin từ mạng xã hội cho thấy có quá nhiều người đã tỏ thái độ quá khích, “lên mạng” chê bai, rủa xả những người mới đây thôi còn là người hùng trong mắt tất cả, như Quế Ngọc Hải, Phan Văn Đức, Nguyễn Thanh Bình, Bùi Tấn Trường, thậm chí cả huấn luyện viên Park Hang-seo. Không hiểu trong số buông lời “khó nghe” có ai từng tỏ mong muốn dựng tượng, đặt tên đường phố với tên của vị huấn luyện viên đáng kính người Hàn Quốc? Không biết trong số họ có ai từng vui vẻ thốt lên rằng “vượt qua vòng loại thứ hai World Cup 2022 là tốt lắm rồi, vào vòng ba thì thắng thua không quan trọng bởi đối thủ đều rất mạnh”?...

Tôi thích ý của một cổ động viên Việt Nam khi chị chia sẻ ý kiến trên mạng xã hội, nói rằng: “Những vị đang cất lời xỉ vả chính là người không yêu đội tuyển quốc gia, không phải cổ động viên chân chính. Không ai rời xa cầu thủ vào đúng lúc họ cần sự động viên nhất. Hãy nhớ rằng, chính những người mà bạn coi là tội đồ đã mang lại niềm vui ngất trời cho bạn đấy, mới đây thôi”. Nghe thấy chí lý, bởi tại sao lại có thể buông tay khi các tuyển thủ cần được chia sẻ, động viên để tiếp tục vững vàng bước vào những trận đấu khó khăn tiếp theo, khi chính những người đang ê ẩm hơn ai hết trong nỗi buồn thua trận đã chia sẻ thông điệp ý nghĩa trong lúc này: “Dù thất bại hay thành công. Chúng ta là một và sẽ đón nhận cùng nhau” - trung vệ Đỗ Duy Mạnh viết trên trang facebook cá nhân. Quế Ngọc Hải, Văn Toàn... cũng viết ra ý đó, như cựu tuyển thủ quốc gia Vũ Như Thành kêu gọi: “Cùng thắng và cùng thua”...

Bóng đá là môn thể thao tập thể, bạn không thể thắng nếu không nỗ lực cùng nhau, khi thuận lợi cũng như lúc khó khăn. Văn Đức, Tấn Trường, Thanh Bình, Xuân Trường và một số người khác nữa đã có những giờ phút chơi không tốt. Một ngày nào đó “tội đồ” có thể là Quang Hải, Hoàng Đức, Văn Hậu, Trọng Hoàng... bởi bóng đá là thế và lứa cầu thủ “vàng” này không thể mãi đứng vững trên đỉnh cao. Nhưng dù thế nào thì chúng ta cũng cần ở bên đội tuyển, nhớ tới lúc từng vỗ tay khen ngợi họ vì đã đem lại cho tất cả niềm vui lớn lao. Nhớ mình từng vỗ tay khi đội tuyển các cấp độ giành quyền vào tứ kết ASIAN Cup 2007 và 2019, tham dự vòng chung kết U20 World Cup năm 2017, là Á quân Giải vô địch bóng đá U23 châu Á 2018, xếp thứ tư tại ASIAD 2018, vô địch AFF Cup 2008 và 2018, giành HCV SEA Games 2019 sau nửa thế kỷ chờ đợi... Từng đó niềm vui trong vòng 4 năm. Nhớ lại để bình tĩnh ở bên bóng đá Việt Nam vượt qua thử thách, để có cách ứng xử đúng đắn, văn minh khi điều không mong muốn xảy ra.

Hoàng Lê