Dùng thuốc hạ sốt an toàn

Sức khỏe - Ngày đăng : 05:15, 15/10/2021

(HNMCT) - Nhiều người tự mua và uống thuốc hạ sốt. Nhưng ít người biết rằng nếu uống không đúng cách hoặc lạm dụng thuốc hạ sốt thì có thể gây ngộ độc, tổn thương gan, thậm chí suy gan cấp dẫn đến hôn mê, tử vong.

Người dân không tự ý sử dụng và phối hợp các loại thuốc hạ sốt vì có thể dẫn đến quá liều.

Mối nguy khi dùng quá liều

Ngộ độc paracetamol là tình trạng thường gặp ở Việt Nam. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, người dân thường tự mua paracetamol về để chữa chứng đau, sốt do các nguyên nhân thông thường hoặc xử trí ban đầu trước khi tới bệnh viện.

Trên thị trường có hàng trăm sản phẩm có tên gọi khác nhau có chứa thành phần chính là paracetamol, trong đó có dạng viên uống, bột, siro hoặc viên đặt hậu môn. Các sản phẩm thuốc có thể chứa paracetamol đơn thuần hoặc các thành phần khác ngoài paracetamol.

Mặc dù có tên gọi khác nhau nhưng về bản chất, các sản phẩm có thành phần tương tự nhau, do đó người dân rất dễ dùng cùng lúc hoặc liên tiếp nhiều sản phẩm khi thấy bệnh không đỡ, kéo dài hoặc muốn dùng nhiều thuốc để có tác dụng mạnh, khiến tổng liều paracetamol dùng mỗi ngày vượt quá quy định, dẫn tới quá liều và ngộ độc lúc nào không biết. Đồng thời, người bệnh cũng dễ bị quá liều và ngộ độc các thành phần khác kèm theo trong thuốc.

Bác sĩ Đào Trường Giang (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) cho hay, tình trạng lạm dụng paracetamol đang diễn ra hằng ngày. Kể về một trường hợp dùng paracetamol quá liều, bác sĩ Giang cho biết, gần đây Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã tiếp nhận bệnh nhân cao tuổi nhập viện. Vì nghe nói tylenol là thuốc chữa Covid-19 tốt nên gia đình đã cho cụ uống 4 viên mỗi ngày trong 12 ngày liền mặc dù cụ không có hiện tượng sốt, khó thở. Đến khi cụ có triệu chứng bất thường, đến viện, gia đình mới hiểu tylenol chính là paracetamol, đó là thuốc hạ sốt, giảm đau, không có tác dụng phòng Covid-19.

Theo chuyên gia y tế, các biểu hiện ngộ độc paracetamol ban đầu thường kín đáo, thậm chí không biểu hiện gì, hoặc có thể lẫn với các biểu hiện của bệnh gây đau, sốt. Tuy nhiên, khi xét nghiệm sẽ thấy men gan tăng dần, bắt đầu từ ngày thứ 2, thứ 3 trở đi. Với trường hợp ngộ độc do lạm dụng thuốc thì tổn thương gan có thể chậm hơn. Khi bệnh nhân đã bị vàng da, chán ăn... tức là đã muộn. Bệnh nhân viêm gan nặng dễ bị suy gan, hôn mê gan, khi đó tỷ lệ tử vong tới 50% hoặc hơn.

Tuân thủ liều dùng theo khuyến cáo

Liều paracetamol tối đa được khuyên dùng với người Việt Nam có thể trạng trung bình và không có các yếu tố nguy cơ là không quá 3 gam/24 giờ với người trưởng thành; với trẻ em là 15mg/kg cân nặng cho mỗi lần và không dùng quá 6 lần/24 giờ. Tuy nhiên, nếu sử dụng liều này cho người có nhiều yếu tố nguy cơ nêu trên thì có thể gây ngộ độc. Trên thực tế, các bác sĩ kê đơn cho người bệnh trưởng thành ở mức 1-1,5 gam paracetamol cho mỗi 24 giờ (tương đương 2 - 3 viên loại hàm lượng 500mg). Tốt nhất là dùng liều thấp nhất có thể.

Để sử dụng paracetamol an toàn, theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, người bệnh cần biết rõ tên và thành phần các thuốc đang dùng và dùng đúng hướng dẫn. Ngoài ra, cần chú ý đến các loại thuốc khác đang dùng (đặc biệt là thuốc chữa bệnh lao hoặc động kinh làm tăng độc tính của paracetamol) và thể trạng của người bệnh dễ bị ngộ độc paracetamol (lạm dụng rượu, gày yếu, suy nhược, ăn kém, nhiễm trùng nặng hoặc các bệnh gây suy mòn).

Còn theo bác sĩ Đình Văn Huy, Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, khi bị sốt, người dân cần kết hợp các biện pháp an toàn để hạ sốt, giảm đau như nới rộng quần áo, chườm, tắm nước ấm, uống đủ nước. Khi bệnh không đỡ hoặc có biểu hiện bất thường thì cần đi khám. “Thuốc hạ sốt, giảm đau thông thường nếu dùng sai sẽ thành thuốc độc. Để sử dụng paracetamol an toàn, cần theo đúng chỉ định của bác sĩ. Nếu dùng liều cao hoặc kéo dài thì cần đi khám và tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị”, bác sĩ Huy khuyến cáo.

Người dân không tự ý sử dụng và phối hợp các loại thuốc hạ sốt khác nhau vì có thể dẫn đến quá liều và các tác dụng phụ trầm trọng; liều lượng và khoảng cách sử dụng giữa hai liều cần đảm bảo quy định; lưu ý giảm liều ở bệnh nhân viêm gan có suy giảm chức năng gan nặng, xơ gan. Khi khám, chữa bệnh, người bệnh cần thông báo cho nhân viên y tế về bệnh lý viêm gan nếu có, trong đó bao gồm các xét nghiệm gần nhất, phác đồ đang điều trị để nhân viên y tế tư vấn sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả.

Tiêu Phong