Bảo đảm an toàn thực phẩm kết hợp phòng dịch
Sức khỏe - Ngày đăng : 07:08, 15/10/2021
Tiếp tục đẩy mạnh kiểm soát an toàn thực phẩm
Hơn 3 tuần nay, cửa hàng phở Thìn ở B2-11 (đường Hàm Nghi, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm) đã mở cửa trở lại sau thời gian tạm dừng thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch. Anh Phạm Xuân Điều, chủ cửa hàng này cho biết, hiện trung bình mỗi ngày cửa hàng bán khoảng 100 suất/ngày. Trước khi mở cửa trở lại, cơ sở đã được tập huấn về các tiêu chí phòng dịch và bảo đảm an toàn thực phẩm.
Tương tự, anh Nguyễn Thanh Tùng, chủ cửa hàng sữa chua trân châu Hạ Long (đường Hàm Nghi, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm) cho biết, ngoài tuân thủ các yêu cầu về điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm, cửa hàng cũng phải thực hiện đầy đủ các quy định phòng, chống dịch. Cụ thể, mỗi khách hàng đến đây đều phải bảo đảm đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và quét mã QR khai báo y tế...
Tại thời điểm kiểm tra 2 cửa hàng nêu trên, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội và quận Nam Từ Liêm đánh giá, các cơ sở này đã chấp hành nghiêm túc các quy định về phòng dịch cũng như bảo đảm an toàn thực phẩm. Hệ thống dụng cụ được sắp xếp ngăn nắp, thực phẩm cũng như các nguyên liệu pha chế, bao gói sản phẩm đều có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc… Ngoài ra, qua xét nghiệm nhanh một số mẫu thực phẩm và dụng cụ chế biến đều bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Phó Trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết, trên địa bàn quận có khoảng 1.500 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Trước khi thực hiện Công điện số 21/CĐ-UBND về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố trong tình hình mới, chỉ có khoảng 20% cơ sở hoạt động trở lại với hình thức phục vụ bán mang về. Khi các cơ sở hoạt động trở lại, quận đã tăng cường tập huấn và kiểm tra các điều kiện an toàn thực phẩm, nhất là kiểm tra hợp đồng mua bán thực phẩm, các dụng cụ bao gói thực phẩm phải bảo đảm xuất xứ, nguồn gốc…
Còn tại huyện Sóc Sơn, trong 9 tháng năm 2021, các đơn vị chức năng của huyện đã tiến hành kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với 465 cơ sở sản xuất, kinh doanh, trong đó có 393 cơ sở bảo đảm các quy định về an toàn thực phẩm; còn lại 72 cơ sở có vi phạm (chiếm 15,5% tổng số cơ sở được thanh tra, kiểm tra). Các đoàn thanh, kiểm tra đã thực hiện xử phạt hành chính với tổng số tiền hơn 70 triệu đồng đối với 47 trong tổng số 72 cơ sở được phát hiện có vi phạm. Cùng với tịch thu toàn bộ hàng hóa không bảo đảm chất lượng, huyện cũng đã thông báo công khai cơ sở vi phạm để người dân biết và phòng tránh.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng cho biết, thời điểm hiện nay, cùng với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, các cơ sở kinh doanh còn phải đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch Covid-19. Do đó, cùng với công tác tuyên truyền, tập huấn, huyện đã yêu cầu các cơ sở kinh doanh thực phẩm phải ký cam kết bảo đảm song hành hai nhiệm vụ nêu trên.
Kiên quyết đóng cửa cơ sở không bảo đảm an toàn
Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, hiện thành phố có hơn 83 nghìn cơ sở chế biến, kinh doanh và sản xuất thực phẩm chịu sự quản lý của 3 ngành: Y tế, Công Thương, NN&PTNT.
Để duy trì công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đạt hiệu quả song hành với việc phòng, chống dịch, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, trong thời điểm hiện tại khi thành phố chuyển sang trạng thái bình thường mới, cùng với phòng, chống dịch Covid-19, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cần tiếp tục được đẩy mạnh. Đầu tiên là các địa phương cần rà soát các cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm hoạt động trở lại sau thời gian giãn cách xã hội vì dịch Covid-19. Tiếp đến, cùng với việc tập huấn, tuyên truyền thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn thực phẩm, các địa phương phải tăng cường tổ chức thanh tra, hậu kiểm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và phải xử lý nghiêm, đồng thời chấn chỉnh kịp thời khi phát hiện vi phạm.
“Trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cần phải phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương. Cùng với đó, các quận, huyện, thị xã cần đẩy mạnh hoạt động của các đoàn kiểm tra định kỳ, đột xuất”, ông Đặng Thanh Phong nhấn mạnh.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương cho biết, thời gian tới, bên cạnh việc kiểm tra đột xuất các cơ sở, huyện sẽ xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra theo chuyên đề, tập trung vào từng lĩnh vực do các ngành: Y tế, Công Thương, NN&PTNT quản lý. Các đoàn kiểm tra của huyện sẽ kiên quyết đóng cửa hoạt động các cơ sở không bảo đảm an toàn thực phẩm cũng như phòng, chống dịch.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng, từ nay đến cuối năm 2021 là cao điểm buôn bán, vận chuyển và sử dụng thực phẩm, do đó, huyện sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên cơ sở phù hợp với điều kiện dịch Covid-19. Trong đó sẽ đẩy mạnh phối hợp liên ngành, nhằm nâng cao hiệu quả chất lượng kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử phạt nghiêm các cơ sở có vi phạm để tạo sức răn đe.