Triển vọng kinh tế toàn cầu: Cẩn trọng trước các nguy cơ

Thế giới - Ngày đăng : 06:26, 15/10/2021

(HNM) - Sự gián đoạn chuỗi cung ứng và lo ngại về y tế toàn cầu khiến Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2021, đồng thời nâng mức lạm phát dự kiến, cảnh báo về rủi ro giá cả cao hơn. Các chuyên gia của IMF cho rằng, các quốc gia, ngân hàng trung ương cần “tuyệt đối cẩn trọng” trước những gì đang diễn ra khi các nguy cơ ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế đang tăng lên.

Khách mua hàng tại một cửa hàng tạp hóa ở thành phố San Diego (Mỹ).

Theo tờ The Wall Street Journal, trong báo cáo mới nhất về Triển vọng kinh tế thế giới, IMF đã cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu cho năm 2021 xuống 5,9% (báo cáo tháng 7-2021 dự báo mức 6%), trong đó tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển giảm xuống mức 5,2%. Mức giảm này phản ánh các vấn đề từ sự chênh lệch giữa cung và cầu trên thế giới. Đối với các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, triển vọng tăng trưởng được cải thiện lên mức 6,4% cho năm 2021. IMF vẫn duy trì quan điểm, tăng trưởng toàn cầu sẽ ở mức trung bình 4,9% vào năm 2022.

Trong khi đó, tờ The Economist nhận định, những gói kích thích mà các nước triển khai để ứng phó với dịch Covid-19 đã tạo ra sự phục hồi mạnh mẽ nhưng chưa ổn định. Người tiêu dùng đang chi tiêu nhiều hơn cho mua sắm hàng hóa so với mức bình thường, kéo căng chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã không được đầu tư thỏa đáng.

Còn kênh BNN Bloomberg đánh giá, giá thực phẩm toàn cầu tăng vọt lên mức cao nhất trong một thập kỷ qua cũng như cuộc khủng hoảng năng lượng là những nguyên nhân khiến mọi thứ tồi tệ hơn. IMF dự báo lạm phát ở các nền kinh tế phát triển đạt 2,8% vào năm 2021 và 2,3% vào năm 2022 (cao hơn so với mức 2,4% và 2,1% trong báo cáo tháng 7-2021). Áp lực lạm phát còn rõ rệt hơn ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, khi giá tiêu dùng tăng 5,5% trong năm nay và 4,9% trong năm tới.

IMF cảnh báo, tác động tiêu cực của lạm phát có thể tăng thêm, nếu sự gián đoạn chuỗi cung ứng liên quan đến đại dịch trở nên tiêu cực hơn và kéo dài. Điều đó có thể dẫn đến việc các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn, kìm hãm đà phục hồi.

Các nhà kinh tế của IMF cho rằng, một số yếu tố có thể gây thêm áp lực lạm phát dai dẳng. Tình trạng thiếu nhà ở đã thúc đẩy giá bất động sản và giá thuê; giá nhập khẩu thực phẩm và dầu cao hơn khiến giá tiêu dùng tăng cao ở các nước mới nổi và đang phát triển. Sự gián đoạn nguồn cung kéo dài cũng có thể khiến các doanh nghiệp tăng giá hàng hóa, kéo theo nhu cầu được tăng lương của người lao động…

Bên cạnh đó, nhà kinh tế trưởng IMF Gita Gopinath cho rằng: “Sự chênh lệch nguy hiểm về triển vọng kinh tế giữa các quốc gia vẫn là một mối lo ngại lớn”. Những quốc gia nghèo nhất trên thế giới đã bị bỏ lại phía sau khi họ phải vật lộn để được tiếp cận với các loại vắc xin phòng Covid-19 cần thiết để mở cửa nền kinh tế. Hơn 95% người dân ở các quốc gia có thu nhập thấp vẫn chưa được tiêm chủng, trái ngược với tỷ lệ tiêm chủng gần 60% ở các nước giàu. Do đó, các chuyên gia của IMF kêu gọi các nền kinh tế lớn hỗ trợ thanh khoản dồi dào và xóa nợ cho các quốc gia nghèo, vốn có nguồn lực hạn chế.

Theo Hãng tin CNBC, về chính sách tài khóa, IMF cho rằng, các quốc gia sẽ phải cân bằng giữa việc kích thích nền kinh tế phục hồi và kiểm soát lạm phát. IMF cũng dự đoán áp lực lạm phát toàn cầu nhìn chung sẽ giảm bớt vào giữa năm tới, và thông tin liên lạc sẽ là chìa khóa để tránh những cú sốc gây gián đoạn cho nền kinh tế do những thay đổi trong chính sách, trong đó sự kết nối chưa từng có giữa các nước giúp thông tin minh bạch và rõ ràng về triển vọng của chính sách tiền tệ càng trở nên quan trọng hơn.

Minh Hiếu