Khơi nguồn sáng tạo vì tình yêu Hà Nội
Văn hóa - Ngày đăng : 06:23, 15/10/2021
Cuộc thi với mục đích kêu gọi các nghệ sĩ trẻ cùng thúc đẩy danh hiệu "Thành phố sáng tạo" bằng những tác phẩm minh họa về Thủ đô, vừa được đề cử Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 14-2021, tại hạng mục “Việc làm - Vì tình yêu Hà Nội”.
Những góc nhìn đa sắc
Gây ấn tượng từ lần ra mắt đầu tiên tại cuộc thi vẽ “Hà Nội là…”, tác phẩm “Hà Nội rong” của tác giả trẻ Đặng Thái Tuấn mô tả thành phố như một gánh hàng được lấp đầy bởi các di tích, danh lam thắng cảnh cũng như những đặc sản tinh thần phong phú khác của Thủ đô Hà Nội. Những điển hình riêng có của Hà Nội, như cầu Long Biên, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tháp Rùa, con đường gốm sứ… được tác giả lồng ghép khéo léo, ôm trọn trong tác phẩm, tạo nên một tổng thể cầu kì, tráng lệ, song cũng rất đỗi gần gũi, hiền hòa.
Tác giả Đặng Thái Tuấn chia sẻ: “Hà Nội có rất nhiều hình ảnh đẹp, là nguồn cảm hứng bất tận cho nghệ sĩ thể hiện những góc nhìn sáng tạo đa sắc màu. Chọn sự khác biệt, tôi gửi gắm ý tưởng “gánh cả Hà Nội” trong tác phẩm thể hiện tình yêu của mình dành cho thành phố ngàn năm văn hiến. Tác phẩm mất hơn 2 tuần để hoàn thành với những đòi hỏi về tính chi tiết cũng như cân đối cấu trúc rất cao”.
Khác với “Hà Nội rong” của Đặng Thái Tuấn, Hà Nội trong tác phẩm “Bát bún ngan” của tác giả Tôn Nữ Thị Bích Trâm mang đậm tình cảm giản dị mà yêu thương không ngờ trong một lần thăm Thủ đô. Còn tác phẩm “Hà Nội không vội được đâu” lại cho thấy góc nhìn đáng yêu, đầy thời sự về Hà Nội trong giờ tan tầm. Trong khi đó, cùng cách quan sát tỉ mỉ qua lăng kính đầy cảm xúc như thế, tác phẩm “Bát phố” của tác giả Nguyễn Huy Đình lại thể hiện những sắc màu tươi vui đầy sức sống của thành phố - Thủ đô đất nước…
Theo dõi cuộc thi từ những ngày đầu tiên, anh Lê Trung Nghĩa (sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) cho biết, rất ấn tượng với sức sáng tạo không ngờ trong ý tưởng cũng như cách thể hiện của nhiều tác phẩm. Từ cuộc thi, Hà Nội hiện ra bằng những góc nhìn mới lạ, trẻ trung đầy thú vị. Còn theo nghệ sĩ Thế Sơn (giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam), các tác giả ngoài khả năng sáng tạo về kỹ thuật, cũng cho thấy năng lực cảm thụ văn hóa sâu sắc, tinh tế và tinh thần nhân văn khi gắn kết truyền thống văn hóa dân tộc vào tác phẩm.
Truyền cảm hứng và lan tỏa sáng tạo
Khởi động từ đầu tháng 8-2021, cuộc thi vẽ “Hà Nội là…” nằm trong khuôn khổ dự án “Hà Nội Rethink” do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), Chương trình định cư con người Liên hợp quốc phát động, nhằm tạo một sân chơi thúc đẩy nhiều ý tưởng độc đáo, bất ngờ mà giàu trí tưởng tượng về Hà Nội, quảng bá Hà Nội như một Kinh đô sáng tạo cũng như kết nối khán giả đại chúng với thế hệ nghệ sĩ trẻ.
Với chủ đề đậm tính gợi mở, cuộc thi sau gần 2 tháng tổ chức, đã thu hút hàng trăm tác phẩm từ các nghệ sĩ chuyên nghiệp, không chuyên, qua đó thể hiện những ý tưởng bất ngờ, mới mẻ, lồng ghép nhiều câu chuyện và cảm xúc riêng, khắc họa Hà Nội với muôn màu độc đáo.
Theo họa sĩ Xuân Lam (thành viên Ban Giám khảo cuộc thi), với đa dạng chất liệu, từ vẽ kỹ thuật số, lụa, cắt dán, sơn dầu… đến sơn mài, các tác phẩm mang theo sự hòa hợp giữa truyền thống và hiện đại qua những góc nhìn, trải nghiệm đầy dấu ấn cá nhân, trong đó 25 tác phẩm giành giải cao đều có kỹ thuật tốt, cách thể hiện hấp dẫn.
“Chẳng hạn như tác phẩm “Hà Nội rong” dù tổng thể cầu kỳ những nét vẽ và tạo hình lại đủ giản dị để tạo không khí thân thiện, đáng yêu. Tác phẩm “Hà Nội là gì ta?” thể hiện được cảm giác vồn vã, ngược xuôi đầy sôi nổi của thành phố gần 10 triệu dân, trong khi đó tác phẩm “Hà Nội collage” có độ hoàn thiện cao, câu chuyện thú vị và chất liệu sáng tạo…”, họa sĩ Xuân Lam nhận xét.
Ghi danh vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO từ năm 2019, Hà Nội cam kết lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững, từ đó hiện thực hóa tầm nhìn trở thành một trung tâm sáng tạo dẫn đầu Đông Nam Á. Để hỗ trợ thành phố, UNESCO đã triển khai dự án “Hà Nội Rethink", nhằm huy động nguồn lực văn hóa và sự tham gia của thanh niên hướng tới phát triển Hà Nội thành kinh đô sáng tạo.
Trưởng ban Văn hóa (Văn phòng UNESCO tại Việt Nam) Phạm Thị Thanh Hường nhận xét: Mỗi tác phẩm là mảnh ghép đẹp của một thành phố sáng tạo, kể cho chúng ta sự kết nối lấp lánh giữa những người trẻ với Thủ đô, truyền cảm hứng và lan tỏa tình yêu, sức sáng tạo với các giá trị văn hóa và di sản - một trong những yếu tố thiết yếu cho việc đổi mới, sáng tạo và thay đổi vì sự phát triển của Hà Nội.