Luật Điện ảnh (sửa đổi) cần tập trung thúc đẩy phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam

Văn hóa - Ngày đăng : 18:02, 15/10/2021

(HNMO) - Chiều 15-10, Báo Đại biểu nhân dân phối hợp với Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông tổ chức tọa đàm trực tuyến, với chủ đề "Luật Điện ảnh (sửa đổi) với việc phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam", có sự tham gia của các đại biểu Quốc hội, đại diện Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), doanh nghiệp, hiệp hội điện ảnh.

 Các đại biểu tham gia tọa đàm tại điểm cầu Hà Nội.

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Phan Viết Lượng nhấn mạnh, dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ hai sắp tới; trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ ba vào tháng 5-2022. Dự án phải bảo đảm quán triệt, bám sát 4 định hướng lớn.

Thứ nhất là tạo hành lang pháp lý để phát triển ngành điện ảnh theo hướng vừa là một ngành nghệ thuật sáng tạo, vừa là ngành kinh tế, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy ngành công nghiệp điện ảnh phát triển trong tổng hòa mối quan hệ với nhiều ngành nghề khác (du lịch, vui chơi, giải trí, truyền thông...).

Thứ hai là các quy định, chính sách pháp luật bảo đảm nguyên tắc tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; nâng cao hưởng thụ văn hóa của người dân.

Thứ ba là luật bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội, huy động các nguồn lực, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nền tảng chuyển đổi số để phát triển ngành công nghiệp điện ảnh.

Thứ tư là luật ban hành phải phù hợp, đồng bộ, khả thi; chính sách đưa ra phải đánh giá kỹ lưỡng, gắn với nguồn lực thực hiện.

Tại tọa đàm, các diễn giả đã trao đổi về xu hướng phát triển kinh tế sáng tạo và cơ hội cho ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam từ dịch vụ truyền hình theo yêu cầu (VOD); tầm quan trọng của chính sách với mục tiêu phát triển ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam và đề xuất giải pháp xây dựng khung pháp lý hài hòa thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi) để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp điện ảnh trong bối cảnh kinh tế số bùng nổ.

Nhận định dịch vụ VOD đang phát triển trên thế giới, cần được thúc đẩy phát triển hơn tại Việt Nam, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn AlphaBeta (Singapore) Fraser Thompson cho rằng, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) có nội dung cho phép các doanh nghiệp tự phân loại và chịu trách nhiệm về hoạt động này là hướng đi đúng và phù hợp với xu thế quản lý của thế giới.

Về hướng quản lý nội dung dịch vụ VOD, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông Nguyễn Quang Đồng cho rằng, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đang đưa ra giải pháp phù hợp, đó là quy định theo hướng hậu kiểm nội dung, kèm theo tiêu chí phân loại và danh sách các hành vi bị cấm trong hoạt động này để xử lý khi phát hiện sai phạm.

Ông Nguyễn Quang Đồng nhận định, điện ảnh Việt Nam chỉ chú trọng vào sản xuất phim trong khi thiếu chính sách tạo thuận lợi phát triển hệ sinh thái dịch vụ phim nói riêng, hệ sinh thái ngành công nghiệp sáng tạo nội dung nói chung. Luật Điện ảnh (sửa đổi) cần có những quy định thuận lợi và thông thoáng hơn cho doanh nghiệp và người làm sáng tạo nội dung...

An Nhi