Thành phố Hồ Chí Minh: Đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông
Giao thông - Ngày đăng : 06:52, 15/10/2021
Công trường “vui” trở lại
Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại công trình xây dựng cầu Bưng (quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh) ngày 12-10, tiếng máy đào, xe bồn, cùng các loại máy móc phục vụ thi công liên tục hoạt động; công trường thực sự nhộn nhịp. “Sau thời gian dừng thi công do dịch Covid-19, được trở lại làm việc khiến anh em chúng tôi rất vui. Thời gian tới, tôi hy vọng sẽ có nhiều công nhân quay lại công trường để cùng đẩy nhanh tiến độ thi công”, công nhân Trần Hải Hân (quê ở Bình Thuận) đang làm việc tại công trường chia sẻ.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố Hồ Chí Minh, công trình cầu Bưng được khởi công xây dựng từ năm 2017. Kế hoạch ban đầu, công trình hoàn thành sau 20 tháng nhưng vướng giải phóng mặt bằng nên bị chậm tiến độ. Hiện Ban Quản lý dự án tập trung thi công phần mặt bằng đã được bàn giao, diện tích còn lại đang được các đơn vị chức năng giải quyết để phấn đấu thông xe nhánh 1 vào cuối năm 2021.
Trong khi đó, dự án nâng cấp, mở rộng đường Đặng Thúc Vịnh (tỉnh lộ 9, huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh) cũng được thi công trở lại với khoảng 15 kỹ sư, công nhân cùng máy móc lắp đặt các phần cống đúc sẵn trên công trường... Còn tại thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh), nơi có nhiều công trình giao thông trọng điểm, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết, địa phương đang phối hợp với các đơn vị thi công để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, đồng thời bảo đảm an toàn dịch bệnh.
Theo Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm, từ tháng 10-2021, Sở Giao thông - Vận tải tổ chức thi công trở lại 37 công trình bị ngưng do dịch Covid-19 và khởi công 26 công trình nâng cấp, duy tu hạ tầng trong đó có nhiều công trình quan trọng như nút giao ngã tư Đình (quận 12); chống sạt lở bờ phải thượng lưu tuyến đường thủy sông Chợ Đệm - Bến Lức (huyện Bình Chánh). Đồng thời, hoàn thành thi công 13 dự án như: Gói thầu xây dựng cầu Mỹ Thủy 3 (huyện Hóc Môn); nâng cấp mặt đường và xây dựng hệ thống thoát nước đường Hương Lộ 11 (huyện Bình Chánh)…
Quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu
Mặc dù, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu đề ra về đầu tư xây dựng các dự án, công trình giao thông, nhất là các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn. Hiện các nhà thầu, đơn vị thi công trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung toàn bộ nguồn lực, nỗ lực khắc phục khó khăn để hoàn thành tiến độ đề ra.
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố Hồ Chí Minh Lương Minh Phúc cho biết, Ban Quản lý cùng với các đơn vị tư vấn, nhà thầu đã, đang bố trí thêm nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ các gói thầu, trong đó phấn đấu hoàn thành 9 gói thầu, dự án trước ngày 31-12-2021.
Tương tự, theo Trưởng ban điều hành Dự án đường bộ 4 (chủ đầu tư công trình xây dựng hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ) Nguyễn Thanh Tuấn, từ tháng 10-2021, công trình xây dựng hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7, thành phố Hồ Chí Minh) đã được đơn vị thi công tăng khối lượng công việc. Hiện đơn vị đang nỗ lực khắc phục khó khăn về vận chuyển nguyên liệu, vật tư, thiếu lao động tại công trường.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Phan Công Bằng cho biết: “Hiện có hơn 1.100 kỹ sư, công nhân, người lao động đã quay trở lại làm việc trên các công trường hạ tầng trọng điểm của thành phố. Sắp tới, đơn vị sẽ phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải các địa phương đưa người lao động trở lại làm việc, vận chuyển vật tư nhanh chóng để đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông của thành phố”.
Để bảo đảm tiến độ các công trình giao thông, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết, sở đã kiến nghị UBND thành phố Hồ Chí Minh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Giao thông - Vận tải và các đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất thành phố về cơ chế, chính sách và kế hoạch huy động các nguồn lực, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, mời gọi nhà đầu tư tham gia theo hình thức đối tác công tư (PPP), nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), xã hội hóa và các nguồn lực phù hợp khác theo quy định.