Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Xây dựng tòa án và nền tư pháp công khai, minh bạch, chịu sự giám sát của nhân dân
Chính trị - Ngày đăng : 21:15, 15/10/2021
Trong nhiệm kỳ vừa qua, các Tòa án đã thụ lý hơn 2,4 triệu vụ việc, giải quyết được 97,6% số vụ. Chất lượng xét xử tiếp tục được bảo đảm và có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan hằng năm đều dưới 1,5%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội. Hơn 7.400 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế nghiêm trọng đã được đưa ra xét xử với 14.540 bị cáo phải nhận những hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản của Nhà nước. Toàn ngành đã công bố được hơn 733.000 bản án, quyết định của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử.
Thực hiện chỉ đạo và phân công của Ban Chỉ đạo Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, Tòa án nhân dân Tối cao đang khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Đề án "Cải cách tư pháp tại tòa án nhân dân đến năm 2030, định hướng đến năm 2045".
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá những kết quả đạt được trong công tác của các Tòa án và công tác cải cách tư pháp của hệ thống Tòa án trong những năm qua đã góp phần quan trọng cùng các cấp, các ngành thực hiện có hiệu quả Chiến lược cải cách tư pháp. Nhờ đó, góp phần đưa nền tư pháp nước ta có những bước phát triển quan trọng trong bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; góp phần tạo môi trường lành mạnh, ổn định phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Đặc biệt, Tòa án đã tổ chức xét xử thành công các vụ án tham nhũng lớn; tham gia tích cực, có hiệu quả vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Công tác xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được chỉ đạo quyết liệt, bài bản, đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo hiệu ứng tích cực, góp phần thực hiện quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước; đã đưa ra xét xử hàng nghìn vụ án tham nhũng, chức vụ kinh tế nghiêm trọng, phức tạp; không làm oan, không bỏ lọt tội phạm.
Đề cập đến một số vấn đề hạn chế của ngành, Chủ tịch nước chỉ rõ, trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ Tòa án còn những hạn chế, khi xét xử các vụ án tranh chấp quốc tế, nhiều trường hợp chưa đủ sức giải quyết vấn đề pháp lý đặt ra trong điều kiện hội nhập quốc tế…
Chủ tịch nước khẳng định, công tác cải cách tư pháp của Tòa án nhân dân có vai trò quyết định bởi Tòa án là cơ quan giữ vị trí trung tâm trong hệ thống các cơ quan tư pháp, nơi thể hiện kết quả hoạt động cuối cùng của công tác tư pháp.
Chủ tịch nước đề nghị, Tòa án nhân dân phải chủ động, tích cực thực hiện chỉ đạo của Trung ương về phòng, chống tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, các vụ án dư luận xã hội quan tâm theo phương châm: Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu sự tác động không đúng của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào. Đặc biệt cần chú trọng phòng, chống tham nhũng ngay trong nội bộ ngành Tòa án.
Tiếp tục phát huy việc thu hồi tài sản tham nhũng, kịp thời áp dụng các biện pháp đồng bộ để thu hồi triệt để tài sản tham nhũng cho Nhà nước ngay từ giai đoạn xét xử và thi hành án, khuyến khích người phạm tội tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Chủ tịch nước cũng yêu cầu Bộ Công an, Bộ Tư pháp, các cấp ủy, chính quyền địa phương cùng phối hợp chặt chẽ với Tòa án trong việc thi hành nghiêm túc các bản án đã có hiệu lực, nhất là các vụ án dân sự thường bị tồn đọng rất lớn ở các địa phương.
Cùng với đó là xây dựng Tòa án và nền tư pháp công khai, minh bạch, chịu sự giám sát nhân dân, vì nhân dân, phục vụ người dân tốt nhất; góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Tòa án. Tòa án phải là chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân.
Hoạt động tư pháp phải đặt người dân vào vị trí trung tâm. Các Tòa án phải kiên trì thực hiện phương châm gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân thông qua việc tăng cường giữ mối quan hệ mật thiết với nhân dân, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, tôn trọng nhân dân. Chủ tịch nước cũng đề nghị hệ thống Tòa án cần có cơ chế tiếp dân nghiêm túc, cầu thị.
Với những yêu cầu, nhiệm vụ đó, ngành Tòa án cần có đội ngũ thẩm phán không những tinh thông nghiệp vụ, giỏi về kỹ năng xét xử mà còn phải am tường về thực tiễn xã hội; thấu hiểu tâm tư, tình cảm, những khó khăn của người dân để có phương án, phương pháp giải quyết phù hợp, từ đó đưa ra phán quyết công tâm, có sức thuyết phục.
Chủ tịch nước cũng đề nghị Tòa án các cấp tiếp tục tích cực hơn nữa trong công tác xây dựng thể chế để chủ động thích ứng, giải quyết được những vấn đề mới đặt ra cho nền tư pháp đất nước. Nghiên cứu kỹ lưỡng đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung các luật quan trọng như Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Phá sản, Luật Bảo vệ người chưa thành niên…
Trong bối cảnh công cuộc đổi mới, phát triển đất nước đang đặt ra cho nền tư pháp nước ta những vấn đề mới, yêu cầu mới phải giải quyết, các cơ quan tư pháp tiếp tục đẩy mạnh cải cách nhằm thích ứng tốt hơn, đáp ứng nhiều hơn nữa những đòi hỏi cấp bách trong tình hình mới, xây dựng nền tư pháp nước ta tiên tiến, hiện đại, bắt kịp với các nền tư pháp tiến bộ thế giới, nhất là vấn đề các tội phạm và vi phạm phi truyền thống.
Đặc biệt, Tòa án nhân dân Tối cao cần khẩn trương nghiên cứu xây dựng chuyên đề đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Tòa án nhân dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam. Tiếp thu thành tựu khoa học pháp lý mới, tiến bộ của thế giới để kịp thời tháo gỡ những bất cập của hệ thống pháp luật và tư pháp nước ta ví dụ cơ chế xét xử trực tuyến; xây dựng, thực hiện thành công Tòa án điện tử để nâng cao năng suất, chất lượng; tăng cường công khai, minh bạch với chi phí thấp; nâng cao khả năng tương tác tiếp cận của người dân bởi đây là công cụ hiệu quả để kiểm tra, kiểm soát hoạt động tư pháp, đánh giá năng lực, trách nhiệm của thẩm phán.
Đi liền với đó là tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện những yếu kém trong công tác xét xử để khắc phục, kiên quyết xử lý các cán bộ vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống. Xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành về tư pháp chuyên sâu pháp luật quốc tế, giải quyết tranh chấp quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng.