Đồng hành hỗ trợ phát triển
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:08, 16/10/2021
Tuy nhiên, ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, với sự triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và thành phố Hà Nội; sự chủ động của các doanh nghiệp, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thủ đô đã dần đi vào ổn định.
Tín hiệu đáng mừng là đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã huy động công nhân lao động tham gia sản xuất đạt 80-90% công suất so với giai đoạn trước khi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát. Hầu hết các doanh nghiệp công nghiệp đã nỗ lực triển khai những phương án bảo đảm an toàn phòng dịch, tăng tốc sản xuất, kinh doanh nhằm tăng doanh số, tạo việc làm cho người lao động, giữ chân khách hàng; tập trung chuyển đổi số, đẩy mạnh kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử…
Kết quả này một lần nữa khẳng định các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh sau đại dịch của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và thành phố Hà Nội đã thực sự phát huy hiệu quả. Theo dự báo, nếu dịch Covid-19 tiếp tục được kiểm soát như hiện nay, sản xuất công nghiệp của Thủ đô trong 3 tháng cuối năm chắc chắn sẽ đạt mức tăng trưởng cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GDRP) của thành phố năm 2021.
Tuy nhiên, trước hàng loạt khó khăn hiện hữu như: Giá nguyên vật liệu, chi phí sản xuất, vận chuyển hàng hóa tăng cao; việc thiếu hụt lao động xảy ra ở nhiều doanh nghiệp; dịch Covid-19 vẫn tiềm ẩn phức tạp..., từ nay đến cuối năm 2021 đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn Thủ đô và bản thân mỗi doanh nghiệp công nghiệp cần nỗ lực khắc phục để duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, trước mắt, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp nhằm kiểm soát và đẩy lùi dịch Covid-19, nhất là các địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất; đẩy mạnh chiến lược tiêm vắc xin phòng Covid-19, trong đó ưu tiên tiêm đủ 2 mũi cho 100% công nhân sản xuất tại các doanh nghiệp. Song song đó là triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất như: Hoãn và giãn đóng thuế, giảm tiền thuê đất; khoanh, giãn nợ, điều chỉnh lãi suất cho vay, giúp doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi; sớm hoàn thành triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch...
Đặc biệt, các địa phương cần chủ động trong nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 nhất quán, đồng bộ từ thành phố đến cơ sở, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc lưu thông, tiêu thụ hàng hóa, nguyên vật liệu; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu để doanh nghiệp mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác…
Về phía cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp, cùng với triển khai các giải pháp phục hồi, tăng tốc sản xuất nhằm đạt các mục tiêu đã đề ra, cần xác định rõ nguyên tắc quan trọng “an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”, từ đó có kế hoạch phục hồi, phương án sản xuất phù hợp với tình hình mới.
Sự nỗ lực, chủ động của mỗi doanh nghiệp kết hợp sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp, ngành, địa phương, chắc chắn cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp sẽ tiếp tục phát triển, hoàn thành “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh.