Telehealth: Xu thế của tương lai

Sức khỏe - Ngày đăng : 12:24, 16/10/2021

(HNNN) - Khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) đang là điểm tựa để tránh đứt gãy quá trình khám, chữa bệnh trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Bác sĩ khám bệnh từ xa thông qua Telehealth. Ảnh: Thái Bình

Tiện cả đôi đường

Theo yêu cầu phòng, chống dịch ở thời điểm hiện tại, Bộ Y tế khuyến cáo người dân ở các tuyến dưới không dồn lên tuyến trên. Thoạt nghe, nhiều người khá lo lắng, bởi lâu nay họ vẫn chọn tuyến trung ương. Tuy nhiên, nhờ ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số nhanh mà nhiều cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến tỉnh tự tin áp dụng Telehealth, thu hẹp khoảng cách tuyến trên và tuyến dưới, có kinh nghiệm cấp cứu, xử lý ca bệnh khó, mang lại niềm tin cho người bệnh.

Khi thấy trong khoang miệng con xuất hiện vết loét, chị Dương Thị Nga ở phố Quán Thánh (quận Ba Đình, Hà Nội) muốn đưa con đi khám. Tuy vậy, do tình hình Covid-19 phức tạp, chị đã chọn khám online. Sau một hồi tìm kiếm, chị Nga đã gọi điện thoại video (video call) qua ứng dụng MedOn và nhận được sự trợ giúp từ bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Medlatec. Sau một hồi quan sát hình ảnh và nghe miêu tả triệu trứng, tiền sử bệnh nhân, bác sĩ kê một loại thuốc bôi, hướng dẫn cách đánh răng nhẹ nhàng, súc miệng bằng nước muối kèm theo lời dặn, sau 3 ngày gọi cho bác sĩ để kiểm tra lại. Sau khi làm theo tư vấn, đến ngày thứ 3, vết loét trên miệng con đã không còn. Gọi lại cho bác sĩ, chị Nga vui mừng khi được biết cơ bản bệnh của con chị đã khỏi, chỉ cần duy trì cách đánh răng nhẹ nhàng, súc miệng nước muối thường xuyên.

Ngoài video call trên các ứng dụng, trong bối cảnh dịch bệnh, việc khám bệnh từ xa qua Zalo, Viber cũng khá phổ biến. Thông qua cuộc gọi, bác sĩ sẽ nhìn hình ảnh, trao đổi, tư vấn cho bệnh nhân nên khám trực tiếp, nhập viện, hay chỉ cần xử trí bằng thuốc thông thường.

Bác sĩ Đình Văn Huy, Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho hay: Khám bệnh trực tiếp vẫn là tốt nhất, nhưng trong mùa dịch, khám bệnh từ xa có thể giúp bệnh nhân, thân nhân người bệnh nắm tình hình bệnh ban đầu, sau đó sẽ có bước xử trí tiếp theo. “Có những trường hợp nhẹ, bác sĩ có thể tư vấn điều trị tạm thời để bệnh nhân chưa phải đến bệnh viện ngay. Còn khi thấy bệnh nhân đang ở tình trạng nặng, cần can thiệp gấp, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân nhập viện” - bác sĩ Huy nói.

Trong bối cảnh dịch bệnh, lợi ích của Telehealth là rõ ràng. Sản phụ Trần Thị T. (30 tuổi), ở  huyện Ba Đồn (Quảng Bình), mang thai ở tuần 35, có nguy cơ sinh non, có hội chứng tăng đông máu, nguy cơ tắc mạch máu rất hiếm gặp, đã được cứu sống kịp thời cả mẹ và con nhờ thực hiện tốt hội chẩn trực tuyến giữa Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba và Bệnh viện Trung ương Huế thông qua Telehealth.

Cũng nhờ Telehealth, Bệnh viện Bạch Mai đã hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cứu sống một bệnh nhân sốc phản vệ, ngừng tim gần 60 phút. Tương tự, Trung tâm Tư vấn khám, chữa bệnh từ xa của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thời gian qua đã kết nối với rất nhiều điểm cầu ở các đơn vị y tế tuyến dưới để kịp thời hội chẩn, xử trí các ca bệnh nặng, cứu sống nhiều ca bệnh khó.

Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội Nguyễn Duy Ánh chia sẻ, với hệ thống Telehealth, kiến thức và trình độ của bác sĩ ở tuyến trên được phát huy triệt để, giảm tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh. “Không ít ca bệnh được tuyến dưới chẩn đoán quá muộn, bỏ qua thời gian vàng cấp cứu. Việc hội chẩn từ xa với các bác sĩ đầu ngành về sản khoa sẽ giảm được số ca chẩn đoán, xử lý sai của tuyến dưới” - PGS.TS Nguyễn Duy Ánh cho biết.

Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội dẫn chứng, với trường hợp sản phụ mắc hội chứng truyền máu song thai, nếu chẩn đoán muộn thì bào thai đối diện với nguy cơ biến chứng suy tim, suy não và tử vong trong bụng mẹ. Tuy nhiên, cùng bệnh lý này, nếu các bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội phối hợp với các bác sĩ tuyến dưới để hội chẩn, phát hiện bệnh sớm thì sẽ cứu sống được cả mẹ và bé.

Tương tự, với một kỹ thuật y khoa khó, đòi hỏi trình độ cao như siêu âm tim, nếu như trước kia chỉ thực hiện được tại bệnh viện, thì nay, theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bác sĩ ngồi tại nơi này vẫn có thể siêu âm tim cho bệnh nhân đang ở một nơi khác bằng hệ thống công nghệ hiện đại.

Còn nhiều khó khăn

Đại dịch Covid-19 thúc đẩy mô hình khám, chữa bệnh từ xa, phát huy lợi ích của công nghệ và dữ liệu kỹ thuật số. Mô hình ấy không chỉ là giải pháp cho đợt khủng hoảng này, mà là xu thế của tương lai.

Tuy nhiên, con đường để khám, chữa bệnh từ xa trở nên phổ biến không hoàn toàn bằng phẳng, cần vượt qua nhiều trở ngại về pháp lý và thương mại, cũng như cần có nền tảng kỹ thuật số đảm bảo kết nối an toàn giữa bệnh nhân và bác sĩ.

Là cơ sở y tế đang làm khá tốt Telehealth, song theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội còn có khó khăn khi triển khai hệ thống Telehealth. “Việt Nam chưa xây dựng được nền tảng kỹ thuật số để thực hiện khám, chữa bệnh từ xa. Ngoài ra, vẫn còn thiếu các văn bản hướng dẫn để triển khai mô hình một cách cụ thể. Đơn cử, chưa có hướng dẫn thanh toán khám, chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế cho bệnh nhân, chi trả chi phí cho bác sĩ tham gia hội chẩn từ xa, thanh toán chi phí đường truyền...” - PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nói.

Tiến sĩ Dương Đức Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện nay, về mặt công nghệ, bệnh viện đã hoàn toàn kết nối rất tốt với hàng trăm cơ sở y tế. Tuy nhiên, muốn người bệnh dễ dàng tiếp cận bác sĩ thì còn phải qua chặng đường khá dài. “Muốn phát triển bền vững khám, chữa bệnh từ xa thì phải có nền tảng về pháp lý, công nghệ, tài chính” - Tiến sĩ Hùng nói.

Để việc khám, chữa bệnh từ xa hiệu quả, theo PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa tuyến trên và tuyến dưới. Các cơ sở y tế tuyến dưới phải thường xuyên kết nối, phối hợp với tuyến trên. Người tiếp cận hệ thống này phải coi đây là công cụ để học tập, nâng cao trình độ. “Chúng ta phải làm sao phát huy tối đa hiệu quả của Telehealth, không nên coi đó chỉ là công cụ dùng trong mùa dịch” - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội nhấn mạnh.

Để nhân rộng hiệu quả của Telehealth, theo các chuyên gia, Đề án Đặt lịch khám, chữa bệnh trực tuyến mà ngành Y tế đang triển khai là một sự hỗ trợ tốt. PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay, hoạt động đặt lịch khám, chữa bệnh trực tuyến sẽ được sử dụng tại tất cả cơ sở khám, chữa bệnh, áp dụng với tất cả đối tượng người bệnh bảo hiểm y tế, khám dịch vụ theo yêu cầu, giúp người dân chủ động được lịch khám, chữa bệnh, không còn cảnh xếp hàng đợi chờ trong mỏi mệt. Khi đặt lịch khám bệnh trực tuyến (gọi điện thoại tới tổng đài, đặt qua website, app, kiosk của bệnh viện...), người bệnh có thể chủ động chọn giờ và bác sĩ khám; thanh toán viện phí không dùng tiền mặt; được tạm ứng trước, rút ngắn thời gian so với quy trình hiện tại.

Tuy nhiên, để thực hiện tốt điều này, theo Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, các bệnh viện phải chủ động xây dựng kế hoạch nhân lực chuyên môn, cơ sở vật chất, trang thiết bị khám, chữa bệnh, công nghệ thông tin để phục vụ người bệnh tốt hơn.

Dù mục đích mà Đề án đưa ra là lý tưởng với bệnh nhân và nhân viên y tế, song, theo lãnh đạo một số cơ sở y tế, không dễ để triển khai Đề án do còn những bất cập cố hữu, như người dân vẫn chưa quan tâm nhiều đến việc đặt lịch khám, chữa bệnh trực tuyến và việc triển khai tại nhiều bệnh viện còn khá “manh mún”, chưa hiệu quả.

Để khắc phục hạn chế đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế phải quyết liệt hơn nữa. Nếu tiếp diễn tình trạng “trăm hoa đua nở” thì dữ liệu y tế không thể liên thông và đồng bộ. Khi dữ liệu được đồng bộ và quản lý tập trung thì việc áp dụng trí tuệ nhân tạo sẽ thuận lợi hơn, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, tiến tới bệnh viện không sử dụng bệnh án giấy.

Về lâu dài, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế sẽ áp dụng đăng ký khám, chữa bệnh trực tuyến cho tất cả người dân, đẩy mạnh áp dụng các thành tựu công nghệ về dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo vào quản lý và khám, chữa bệnh.

Đoan Trang